Hà NộiAnh Tú, 45 tuổi, chật vật tìm người chăm sóc bố bị tai biến nhiều tháng nay, thay đổi 4 lần vẫn không ưng ý, dù trả 20 triệu đồng một tháng. Cha anh, 79 tuổi, đang sống tại Đông Anh, bị di chứng nặng sau đột quỵ, hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người khác. Cụ còn mắc viêm phổi và nhiều bệnh nền. Tình trạng này đòi hỏi phải liên tục được xoay trở, vỗ rung vật lý trị liệu, phòng viêm loét và nguy cơ biến chứng đường hô hấp. Lần đầu, gia đình thuê một phụ nữ 52 tuổi với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chị kiệt sức sau hai đêm thức trắng, thao tác lóng ngóng, sức yếu khiến việc lật trở ông cụ phải cần thêm trợ giúp từ người nhà. Sau hai tuần, chị xin nghỉ. Anh Tú chuyển sang thuê người qua công ty dịch vụ với mức lương 13 triệu đồng/tháng nhưng lại gặp phải người thiếu kiên nhẫn, hay cáu gắt, kỹ năng chưa đạt yêu cầu. Không hài lòng, anh tìm đến dịch vụ cao cấp hơn với chi phí 18-20 triệu đồng/tháng, cam kết cung cấp nhân viên chuyên môn, bằng cấp y tế, có kinh nghiệm ít nhất 3 năm. Nhân viên mới khiến anh Tú hài lòng về chuyên môn nhưng họ không làm việc nhà, không ở lại qua đêm, khiến gia đình anh phải phân công người thay phiên thức đêm chăm ông cụ. "Dù bỏ ra số tiền lớn, gia đình vẫn phải chia sẻ công việc, nhân viên cũng không thể làm việc 24/24 giờ", anh Tú chia sẻ. Chăm người ốm cần nhiều kỹ năng khiến nhiều gia đình khó tìm người ưng ý. Ảnh: Thúy Quỳnh Theo các báo cáo dân số, Việt Nam hiện có hơn 4,3 triệu người cao tuổi sống một mình hoặc với người dưới 15 tuổi, cần hỗ trợ chăm sóc. Mặc dù tuổi thọ trung bình đã tăng lên 73, chất lượng sống còn thấp khi mỗi người cao tuổi mắc trung bình 3-5 bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài. Dù nhu cầu lớn, nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc người già hiện rất thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, bác sĩ cho hay. Năm 2023, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận tỷ lệ 0,25 người làm ngành phục hồi chức năng trên 10.000 dân, rất thấp và chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh trong bối cảnh già hóa dân số. Ngoài ra, tỷ lệ điều dưỡng viên ở Việt Nam là 11 điều dưỡng/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị của WHO (25 điều dưỡng/10.000 dân). Điều này làm tăng áp lực lên gia đình người bệnh và hệ thống y tế. Do nguồn cung hạn chế, thu nhập của nghề chăm sóc người ốm rất hấp dẫn, thường gấp đôi lương của người giúp việc nhà. Trong đó, lương cho nhân lực chăm sóc người già phụ thuộc sinh hoạt hoàn toàn lên tới 20-30 triệu đồng/tháng, nhưng việc tìm người phù hợp vẫn vô cùng khó khăn. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết chăm sóc người già, đặc biệt những người bệnh nặng, đòi hỏi cả về sức lực, kỹ năng chuyên môn và sự kiên nhẫn. Các công việc thường nhật như tắm rửa, cho ăn, xoay trở để phòng chống loét, vỗ rung để giúp bệnh nhân long đờm... vượt quá khả năng của một người giúp việc thông thường. Nhiều bệnh nhân cao tuổi thường phụ thuộc hoàn toàn, mắc thêm các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, viêm phổi, cần được theo dõi sát sao và điều trị lâu dài. Các ca bệnh phức tạp yêu cầu cả kiến thức y tế như thay bình oxy, xử lý các thiết bị hỗ trợ. Bên cạnh đó, ở một số trường hợp tai biến hoặc ảnh hưởng thần kinh, người bệnh còn có hành vi chống đối hoặc xúc phạm, khiến công việc càng trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều người được thuê không có kỹ năng chuyên môn, chưa quen môi trường khắc nghiệt nên thường xuyên lóng ngóng, làm việc chưa đạt yêu cầu. Sự thiếu kiên nhẫn, thái độ cáu gắt, hoặc yêu cầu nghỉ việc vì áp lực là điều xảy ra thường xuyên. Trong lĩnh vực chăm sóc chuyên nghiệp, nhân sự có đủ bằng cấp và kinh nghiệm thường thuộc các dịch vụ cao cấp với chi phí lên tới 20-30 triệu đồng/tháng. Song ngay cả khi chi trả số tiền lớn, các gia đình vẫn phải đối mặt với khó khăn như: người chăm không làm việc nhà, chỉ tập trung chăm bệnh nhân khiến gia đình phải thuê thêm nhân lực. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Công ty Học viện Hạnh phúc Việt Nam, cho biết thêm không ít trường hợp, người chăm sóc và gia đình xảy ra mâu thuẫn do cách xử lý công việc không hợp ý. Một số người chăm thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, thậm chí có hành vi vòi vĩnh, lợi dụng tài chính hoặc trộm cắp. Mặt khác, sống chung trong thời gian dài làm nảy sinh khoảng cách về thói quen sinh hoạt, cách ứng xử, khiến cả hai bên khó tìm thấy sự hòa hợp. Bác sĩ động viên tâm lý cho người nhà một bệnh nhân trong quá trình chăm sóc người bệnh. Ảnh: Ngọc Thành Theo bác sĩ Phúc, việc tìm nhân sự chăm sóc người già không chỉ là bài toán chi phí, mà còn liên quan yếu tố tâm lý, kỹ năng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên gia đình. Dù có tiền, giải pháp bền vững vẫn phải dựa vào sự đồng hành và chia sẻ từ tất cả các bên. "Với những bệnh nhân nặng, gia đình cần cùng phối hợp, chia sẻ công việc bởi không một nhân viên nào có thể làm việc liên tục 24/24 giờ mà không cần nghỉ ngơi", bác sĩ nói. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh cần có cơ chế quản lý và đào tạo bài bản nhân lực ngành chăm sóc, ví dụ nhân rộng các khóa học chuyên sâu về chăm sóc người già, bao gồm kỹ năng vệ sinh, dinh dưỡng, động viên tâm lý và xử lý tình huống khẩn cấp, xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp rõ ràng. Mở rộng mạng lưới chăm sóc cộng đồng và nâng cao năng lực cho gia đình trong việc chăm sóc người già. Xây dựng chính sách xã hội hóa để khuyến khích các tổ chức tư nhân thành lập viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc đạt chuẩn. Thúy Quỳnh Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress