Các chủng virus cúm thường gặp

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jan 7, 2025.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 42)

    Có 4 chủng virus cúm A, B, C và D, trong đó 3 chủng A, B, C là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cho con người.


    Thông tin được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế và Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM) khuyến cáo cộng đồng.

    Virus cúm là gì?

    Virus cúm là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý cấp tính đường hô hấp.

    Các chủng virus cúm thường gặp

    Có 4 chủng virus cúm A, B, C và D; trong đó 3 chủng virus cúm A, B, C là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cho con người.

    - Virus cúm A:

    • Virus cúm A chia thành các phân nhóm dựa trên 2 protein bề mặt là kháng nguyên H và kháng nguyên N.
    • Virus cúm A là loại virus cúm duy nhất được biết đến là nguyên nhân gây ra các vụ dịch cúm toàn cầu. Đại dịch có thể xảy ra khi một loại virus cúm A mới và khác xuất hiện, vừa lây nhiễm từ động vật sang người vừa có khả năng lây lan hiệu quả giữa người với người.
    • Virus cúm A/H1N1 đang lưu hành phổ biến hiện nay có liên quan đến cúm đại dịch 2009. Virus cúm H1N1 đã trải qua những thay đổi di truyền tương đối nhỏ làm thay đổi tính chất kháng nguyên của virus (tính chất của virus ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch) theo thời gian.
    • Trong các loại virus cúm gây bệnh ở người, virus cúm A/H3N2 thay đổi nhanh về cả di truyền và kháng nguyên. Trong những năm gần đây, virus đã hình thành nhiều dòng riêng biệt và khác nhau về mặt di truyền.

    - Virus cúm B:

    • Virus cúm B không chia thành các loại phụ, mà được phân loại thành dòng B/Yamagata, B/Victoria, chỉ gây bệnh ở người.
    • Về khả năng biến đổi, virus cúm B biến đổi chậm hơn virus cúm A; do đó chỉ có 1 type huyết thanh và không tạo thành những vụ dịch lớn với chu kỳ từ 5-7 năm.

    - Virus cúm C:

    • Virus cúm C thuộc chi Influenza Virus C, là thành viên thuộc họ virus Orthomyxoviridae.
    • Tuy nhiên, chủng virus này khá hiếm gặp và thường nhẹ hơn các trường hợp virus cúm A, B. Bệnh có triệu chứng lâm sàng không điển hình và thường không tạo thành dịch.

    - Virus cúm D:

    Khác với các chủng virus cúm còn lại, virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và không phải nguyên nhân lây nhiễm hoặc gây bệnh cho người.

    Virus cúm sống ngoài môi trường bao lâu?

    - Bản chất virus cúm là lipoprotein, do đó virus có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại.

    - Ngoài ra, virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C và các chất hòa tan lipid như ether, chloramine, beta-propiolactone, formol, cồn...

    - Tuy nhiên, ở môi trường bên ngoài, virus có thể tồn tại hàng giờ, đặc biệt là trong thời tiết lạnh và độ ẩm thấp:

    • Ở nhiệt độ 0-4 dộ C, virus có thể sống được vài tuần.
    • Ở nhiệt độ -20 dộ C và đông khô, virus cúm có thể tồn tại cả năm.

    [​IMG]

    Mô phỏng virus cúm A/H5. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố


    Triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus cúm

    - Triệu chứng khi nhiễm virus cúm thường xuất hiện đột ngột và diễn biến từ nhẹ đến nặng.

    - Người nhiễm cúm thường có một hoặc một vài triệu chứng sau: sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi.

    - Ở trẻ em khi nhiễm cúm thường xuất hiện triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy.

    Diễn biến bệnh và biến chứng thường gặp

    - Thông thường, bệnh thường khá lành tính. Người bệnh có thể hồi phục trong vòng 2 đến 7 ngày.

    - Mặc dù cúm có triệu chứng nhẹ và khá phổ biến, nhưng nếu người bệnh chủ quan và không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm.

    - Khi cúm chuyển nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi, suy tim, hen phế quản, bệnh mạch vành, suy giảm miễn dịch, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu. Ở trẻ em và người già trên 65 tuổi thường dễ gặp biến chứng.

    - Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai, cúm có thể gây sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi nếu thai phụ mắc cúm trong 3 tháng đầu.

    Xét nghiệm chẩn đoán

    - Loại bệnh phẩm: Các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, mũi họng, dịch tiết hay rửa mũi họng.

    - Phương pháp xét nghiệm:

    • Nuôi cấy virus.
    • Chẩn đoán huyết thanh học (phản ứng kết hợp bổ thể và ức chế ngưng kết hồng cầu) tìm động lực kháng thể giữa hai thời kỳ khởi phát và lui bệnh.
    • Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên.
    • Phản ứng chuỗi men RT-PCR.
    • Miễn dịch huỳnh quang.

    Điều trị

    - Hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày.

    - Đối với trường hợp cúm nặng, cần phải nhập viện, chăm sóc tăng cường và điều trị kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát và hỗ trợ hô hấp.

    Cách phòng ngừa bệnh cúm

    - Tiêm phòng vaccine là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm.

    - Cần phải tiêm phòng vaccine cho cộng đồng hàng năm trước mùa cúm, đặc biệt người có nguy cơ mắc bệnh và có biến chứng cao:

    • Tất cả trẻ em từ 6 đến 23 tháng và những người từ 65 tuổi trở lên.
    • Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mạn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa (ví dụ bệnh tiểu đường), bệnh thận mạn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
    • Phụ nữ sẽ có thai.
    • Những người sống trong các nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn.
    • Những người tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân như cán bộ y tế, người cùng nhà với bệnh nhân.

    - Chống chỉ định dùng vaccine đối với người có dị ứng protein trứng hoặc dị ứng các thành phần khác của vaccine.

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Các chủng virus cúm thường gặp

Share This Page