Từ 2019 đến 2024, dân số cả nước thêm 4,9 triệu người song tốc độ tăng bình quân giảm còn 0,99% so với 1,22% giai đoạn trước do mức sinh giảm. Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1, cho kết quả dân số Việt Nam tại ngày 1/4/2024 đạt hơn 101,1 triệu người, đông thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines. Nam giới chiếm 49,8% dân số, trên 50,3 triệu người, nữ giới đạt 50,8 triệu người. Từ năm 2019 đến 2024, dân số Việt Nam tăng mỗi năm gần một triệu người song tốc độ tăng bình quân chỉ đạt 0,99%, giảm so với mức 1,22% giai đoạn 2014-2019. Tổng cục Thống kê đánh giá tốc độ giảm do mức sinh giảm nhưng quy mô dân số duy trì ổn định. Gần 15 năm từ 1999 đến 2022, mức sinh của Việt Nam ổn định quanh mức sinh thay thế. Hai năm qua, mức sinh có dấu hiệu giảm nhanh từ 1,96 con mỗi phụ nữ năm 2023 xuống còn 1,91 con vào năm 2024. Trẻ em Hà Nội trước Nhà thờ lớn trong đêm Noel 2024. Ảnh: Giang Huy Tỷ lệ dân số thành thị trên 38% trong khi nông thôn gần 62%. Dân số thành thị tăng bình quân hơn 3% mỗi năm trong 5 năm qua, nhanh gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2014-2019. Dân số Hà Nội đạt gần 8,7 triệu người; TP HCM 9,5 triệu người. Bắc Kạn ít dân nhất với 328.600 người, chênh lệch 29 lần so với TP HCM. Xét về mật độ dân số, Việt Nam đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á sau Singapore và Philippines, mức 305 người/km2. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có mật độ cao nhất nhì cả nước, tương ứng 1.126 người/km2 và 814 người/km2. Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mức thấp nhất, tương ứng 140 người/km2 và 114 người/km2. Đồng bằng sông Hồng với 24 triệu người tập trung dân cư đông nhất nước, chiếm gần 24% tổng dân số; Tây Nguyên thấp nhất với 6,2 triệu người, trên 6%. Đông Nam Bộ đạt tỷ lệ tăng dân số bình quân 1,46% mỗi năm cao nhất toàn quốc, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất, chỉ 0,29%. Việt Nam vẫn trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với hai người trong tuổi lao động thì một người phụ thuộc. Tỷ trọng dân số 15-64 tuổi chiếm trên 67 %; dưới 15 tuổi chiếm hơn 23% và trên 65 tuổi hơn 9%. Song chỉ số già hóa dân số tăng nhanh hơn so với những năm 2014- 2019. Cả nước có hơn 14 triệu người già trên 60 tuổi và dự báo năm 2030 sẽ đạt 18 triệu người. Giờ tan ca của công nhân nhà máy Pouyuen- doanh nghiệp đông lao động nhất TP HCM, năm 2022. Ảnh: Như Quỳnh Dân số tăng nhưng quy mô và tỷ lệ người di cư đang giảm và có xu hướng giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1999 đến nay. Cả nước chỉ còn 4 triệu người di cư trong tổng số 69 triệu người từ 5 tuổi trở lên. Trong khi năm 1999, con số này là 4,5 triệu người và tăng cao nhất 6,7 triệu người vào năm 2009. Đông Nam Bộ vẫn là điểm đến thu hút nhất với dòng người di cư khi ba thành phố lớn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai tập trung các khu công nghiệp tạo ra nhiều việc làm. Trên 57% người di cư đến Đông Nam Bộ đến từ Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi trên 62% đến Đồng bằng sông Hồng từ Trung du và miền núi phía Bắc. 13 tỉnh thành có tỷ suất di cư thuần dương, tức người nhập cư nhiều hơn xuất cư. Trong đó, Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất 77,6‰; Bắc Ninh 61,8‰, Đà Nẵng trên 55‰, Cần Thơ 30,9‰ và TP HCM 25,8‰. Điều tra giữa kỳ ghi nhận 60% người di cư độ tuổi 20-39, có hiện tượng "nữ hóa di cư" khi nữ giới chiếm 55,7% trong tổng số người rời đi. Khoảng 40% người di cư chuyển nơi ở mới để tìm kiếm việc làm hoặc bắt đầu công việc mới, trong khi hơn 30% theo gia đình hoặc chuyển nhà. Kết quả điều tra giữa kỳ là cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, hoạch định chính sách những năm 2026-2030, cũng như giám sát các mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam cam kết. Hồng Chiêu Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress