AnhPhát hiện tình cờ của một công nhân tại mỏ đá ở Oxfordshire, mở ra nghiên cứu khảo cổ đáng kinh ngạc về dấu chân khủng long từ kỷ Jura giữa. Những dấu chân được công nhân khai thác đá phát hiện vì thấy "vết lồi bất thường". Ảnh: Đại học Birmingham Một công nhân khi khai thác đá ở Oxfordshire đã nhận thấy một số "vết lồi bất thường" bên dưới bề mặt đất sét. Anh ta không bao giờ có thể mơ rằng mình thực sự đang đi theo dấu chân của khủng long. Các chuyên gia từ Đại học Oxford và Birmingham sau đó đã xác nhận tìm thấy khoảng 200 dấu chân trải dài khắp mỏ đá, tạo thành một "đường cao tốc khủng long" gồm 5 dãy dấu chân khổng lồ. Các dấu chân này được cho là có niên đại khoảng 166 triệu năm, được lưu lại bởi ít nhất hai loài khủng long khác nhau vào thời điểm Oxfordshire nằm cạnh một vùng biển nhiệt đới với nhiều đầm phá nông và bãi bùn. Tiến sĩ Duncan Murdock, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Oxford cho biết: "Mức độ bảo quản chi tiết đến mức có thể thấy bùn bị biến dạng như thế nào khi chân khủng long dẫm vào và nhấc lên. Cùng với các hóa thạch khác như hang, vỏ sò và thực vật, chúng tôi có thể tái hiện môi trường đầm phá đầy bùn mà khủng long đã đi qua". Các nhà nghiên cứu cho rằng 4 trong số các dãy dấu chân được tạo ra bởi loài khủng long ăn cỏ khổng lồ Sauropoda, với Cetiosaurus dài 18 mét là ứng cử viên sáng giá nhất. Dãy dấu chân thứ 5 mang dấu móng vuốt ba ngón đặc trưng của loài khủng long ăn thịt Megalosaurus, dài tới 9 mét. Đây cũng là loài khủng long đầu tiên được đặt tên khoa học vào năm 1824 - đúng 200 năm trước cuộc khai quật mới này. Dãy dấu chân dài nhất trải dài hơn 150 mét, và 5 dãy dấu chân này tạo thành tập hợp dấu chân khủng long lớn nhất ở Anh. Nằm tại Mỏ đá Dewars Farm, đường cao tốc thời tiền sử này bổ sung vào bộ sưu tập dấu chân khủng long đồ sộ tại địa điểm này, nơi 40 dãy dấu chân khác đã được phát hiện vào năm 1997. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng ảnh chụp từ máy bay không người lái để tạo mô hình 3D của các dấu chân mới được phát hiện, ghi lại chúng với độ chi tiết chưa từng có. Sử dụng các bản sao kỹ thuật số này, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có được những hiểu biết mới về cách di chuyển và hành vi của những con khủng long này. Ví dụ, các dấu chân cho thấy Megalosaurus có sải chân khoảng 2,7 mét, với khoảng cách giữa các dấu chân cho thấy sinh vật thời tiền sử này di chuyển với tốc độ tương tự con người hiện đại - khoảng 3 km/h. Những con Sauropoda dường như cũng di chuyển với tốc độ tương tự, và dấu chân của chúng thậm chí còn giao nhau với dấu chân của Megalosaurus tại một điểm. Điều này đặt ra những câu hỏi thú vị về việc liệu những con khủng long khác nhau này có tương tác với nhau hay không và như thế nào. Các dấu chân khủng long vừa được phát hiện sẽ được trưng bày tại một triển lãm mới của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Oxford. Minh Thư (Theo IFL Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress