Rối loạn chức năng cực khoái là tình trạng người đàn ông gặp khó khăn hoặc không thể xuất tinh dù có ham muốn và kích thích tình dục đầy đủ. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS.CK2 Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam Giới Men's Health. Phân loại Rối loạn chức năng cực khoái ở nam giới được phân chia thành các loại chính: - Xuất tinh chậm (Delayed ejaculation): Đây là tình trạng nam giới phải mất nhiều thời gian để đạt cực khoái hoặc không đạt được. Là một trong những dạng phổ biến của rối loạn cực khoái, ảnh hưởng đến tâm lý và cảm giác thoải mái trong quan hệ. - Xuất tinh ngược dòng (Retrograde ejaculation): Đây là hiện tượng tinh dịch đi ngược vào bàng quang thay vì được phóng ra ngoài qua niệu đạo. Xuất tinh ngược dòng có thể làm giảm cảm giác cực khoái và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. - Không thể đạt cực khoái (Anorgasmia): Người mắc tình trạng này không thể đạt cực khoái dù có kích thích và ham muốn đầy đủ, làm giảm trải nghiệm tình dục và sự thỏa mãn. - Rối loạn cực khoái toàn diện (Total orgasmic dysfunction): Tình trạng hiếm gặp này khiến nam giới không thể đạt cực khoái ngay cả khi thủ dâm. Nguyên nhân - Yếu tố thể chất: Các bệnh lý như tiểu đường, bệnh thần kinh, và các vấn đề về tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây khó khăn cho việc đạt cực khoái. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và thuốc huyết áp, cũng có thể gây tác dụng phụ là làm chậm hoặc ngăn cản khả năng đạt cực khoái. - Yếu tố tâm lý: Căng thẳng, lo âu, và trầm cảm là những nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn chức năng cực khoái. Nghiên cứu của Segraves (2010) trên Journal of Clinical Psychiatrychỉ ra rằng tình trạng lo âu về khả năng tình dục có thể làm nam giới khó đạt cực khoái. - Thói quen sinh hoạt: Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, và chất kích thích có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và hệ thần kinh, gây trở ngại trong việc đạt cực khoái. Lối sống ít vận động và các chất kích thích có thể làm giảm nồng độ testosterone, dẫn đến suy giảm chức năng tình dục. Rối loạn chức năng cực khoái có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và mối quan hệ. Ảnh: Pexels Chẩn đoán - Phỏng vấn và khai thác tiền sử y tế: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thời gian xuất hiện và yếu tố liên quan. Việc khai thác lịch sử bệnh lý và sử dụng thuốc là bước quan trọng trong chẩn đoán. - Kiểm tra thể chất và xét nghiệm: Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ testosterone và các hormone khác, cũng như các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường và các vấn đề về tuyến tiền liệt. - Đánh giá tâm lý: Rối loạn chức năng cực khoái có thể do yếu tố tâm lý, nên việc đánh giá tâm lý nhằm xác định các vấn đề liên quan đến lo âu, căng thẳng hoặc trầm cảm cũng rất quan trọng. Điều trị - Liệu pháp tâm lý: Đối với các trường hợp do yếu tố tâm lý, liệu pháp tâm lý có thể giúp giảm lo âu và căng thẳng. Các phương pháp như trị liệu hành vi và liệu pháp tình dục có thể cải thiện sự thoải mái và tự tin khi quan hệ tình dục. - Điều trị bằng thuốc: Nếu nguyên nhân là do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể xem xét thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng. Trong một số trường hợp, liệu pháp hormone với testosterone có thể được sử dụng để cải thiện chức năng tình dục nếu nồng độ testosterone thấp. - Thay đổi lối sống: Tăng cường vận động thể chất, hạn chế rượu bia và thuốc lá có thể giúp cải thiện chức năng tình dục. Lối sống lành mạnh giúp tăng cường tuần hoàn máu và giảm nguy cơ rối loạn chức năng cực khoái. - Kỹ thuật kích thích và luyện tập: Một số kỹ thuật kích thích và luyện tập có thể giúp nam giới cải thiện khả năng đạt cực khoái. Việc thực hiện các bài tập và thử nghiệm tư thế hoặc thời gian thủ dâm cũng có thể tăng cường khả năng kiểm soát. Mỹ Ý Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress