AI trong năm 2024 được đánh giá tiệm cận "siêu trí tuệ nhân tạo", nhưng cũng gây ra nhiều lo ngại, từ đó thúc đẩy các quy định về trách nhiệm và đạo đức. Trí tuệ nhân tạo đã trở thành công nghệ chủ đạo, len lỏi đến mọi mặt đời sống. Hàng loạt công ty lớn đang chi hàng tỷ USD cho các hệ thống huấn luyện kém, tạo nên cuộc đua gay cấn. Thế giới tiến gần hơn đến siêu trí tuệ AGI Từ đầu năm, giới chuyên gia liên tục tranh luận "khi nào AI thông minh hơn con người". Hầu hết dự đoán điều này cần vài năm nữa, nhưng những bước tiến mới cho thấy siêu trí tuệ AGI có thể xuất hiện sớm hơn. Logo ChatGPT trên smartphone. Ảnh: Reuters Dù nhiều ông lớn ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), OpenAI vẫn luôn giữ vị trí tiên phong. Trong nửa sau 2024, công ty của Sam Altman trình làng hàng loại bản cải tiến như với GPT-4, GPT-4o, đặc biệt là o1 và o3. Trong đó, o1, tên mã Strawberry, được OpenAI công bố tháng 9 với khả năng xử lý câu hỏi phức tạp, có thể "tạo ra một chuỗi suy nghĩ nội bộ dài trước khi phản hồi tới người dùng". Khi đó, Business Insider đánh giá sự xuất hiện của o1 khiến "ranh giới phân chia trí thông minh con người với trí thông minh nhân tạo ngày càng trở nên hẹp hơn". Một nghiên cứu thậm chí chỉ ra o1 có khả hành vi phản kháng, lập mưu và nói dối khi nghĩ nó sắp bị thay thế. Ngày 20/12, OpenAI tiếp tục giới thiệu mô hình o3 và o3 mini "có thể suy luận" với sức mạnh lớn hơn o1. Công ty gọi đây là "bước nhảy vọt ấn tượng về hiệu suất", còn giới chuyên gia cũng phản ứng tích cực với thông tin, đồng thời dự đoán AGI có thể xuất hiện sớm hơn. Làn sóng AI tạo video Tiếp nối cơn sốt AI tạo ảnh năm 2023, trong năm nay, hàng loạt công ty tung ra công cụ biến văn bản hoặc hình ảnh đầu vào thành video ngắn. Làn sóng được mở màn vào tháng 2 khi OpenAI công bố Sora. Ảnh cắt từ video tạo bằng Sora AI. Ảnh: OpenAI Đến tháng 5, Google trình làng AI có tên Veo với khả năng tạo video 1080p dài hơn một phút. Vào tháng 7, Runway, công ty dựng kỹ xảo AI cho phim đoạt giải Oscar Everything Everywhere All At Once, công bố mô hình Gen-3 Alpha "cải tiến đáng kể về độ trung thực, tính nhất quán và chuyển động so với trước". Hồi tháng 10, Meta ra AI mang tên Movie Gen tạo video và âm thanh từ văn bản, còn Adobe cũng giới thiệu công cụ AI của riêng mình. Trong khi đó, một số công ty Trung Quốc cũng tung ra mô hình đối đầu với đối thủ Mỹ. Dù vậy, ngoài Sora được thương mại hóa đầu tháng 12, hầu hết vẫn đang trong quá trình thử nghiệm giới hạn. Ngoài ra, chất lượng video được đánh giá chưa thực sự hoàn hảo do AI chưa hiểu rõ về chuyển động vật lý phức tạp. Cơn sốt chip AI Cuộc săn lùng chip AI, chủ yếu là GPU Nvidia, xuất hiện từ năm ngoái nhưng tăng tốc mạnh năm nay. Hồi tháng 1, CEO Meta Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ mua 350.000 GPU H100 trong 2024, nâng tổng số chip họ sở hữu lên 600.000. Trong khi đó, theo Business Insider, Microsoft đặt mục tiêu sở hữu 1,8 triệu chip AI, đồng thời dự kiến đến 2027 sẽ đầu tư 100 tỷ USD cho GPU và trung tâm dữ liệu. Công ty phân tích Omdia ước tính Microsoft đã mua 485.000 chip "Hopper" (H100) tính đến hết tháng 11, gấp đôi mức 224.000 chip của Meta. Chip AI HGX H200 sử dụng tám GPU H200 của Nvidia. Ảnh: Nvidia Tuy nhiên, người tích cực gom chip AI nhiều nhất là Elon Musk. Kể từ khi tuyên bố xây dựng siêu máy tính Colossus vào tháng 5, ông đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất dự án trong 122 ngày và được CEO Nvidia Jensen Huang đánh giá "khó tin". Colossus sử dụng 100.000 GPU H100 của Nvidia và dự kiến tăng lên một triệu GPU thời gian tới. Giữa tháng 9, nhà sáng lập Oracle Larry Ellison tiết lộ ông và Musk đã phải "cầu xin" Jensen Huang đồng ý bán GPU mới nhất cho mình. Trong khi đó, giữa tháng 12, Broadcom thông báo "ba khách hàng lớn" về trung tâm dữ liệu cũng đang trong lộ trình mua chip AI của hãng, gọi là XPU. Đến 2027, những khách hàng này sẽ triển khai cụm một triệu XPU trên kiến trúc kết nối duy nhất. Trung Quốc không thể trực tiếp mua GPU tiên tiến do lệnh cấm vận từ Mỹ. Tuy nhiên, nhiều công ty nước này vẫn tìm cách xây dựng các cỗ máy huấn luyện AI bằng chip nội địa, chủ yếu do Huawei cung cấp, thậm chí là "đi đường vòng" để sở hữu chip mạnh nhất. Theo Omdia, ByteDance và Tencent đã đặt hàng khoảng 230.000 chip của Nvidia năm nay, gồm mẫu H2o được tùy biến để phù hợp với lệnh kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ. AI ghi dấu ấn tại giải Nobel 2024 Ngày 8/10, hai nhà khoa học Geoffrey Hinton và John Hopfield được trao giải Nobel Vật lý nhờ những nghiên cứu tiên phong, đặt nền móng cho AI hiện đại. Sang ngày 9/10, ba chuyên gia David Baker, John Jumper và Demis Hassabis cùng nhận Nobel Hóa học nhờ công trình giải mã bí mật protein thông qua AI. Từ trái sang: Demis Hassabis, John Jumper và Geoffrey Hinton. Ảnh: Google/AP Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá cơn sốt AI lan tỏa khắp thế giới đang tác động đến giải Nobel. Theo giáo sư Dame Wendy Hall, nhà khoa học máy tính và cố vấn về AI cho Liên Hợp Quốc, công trình của những người nhận giải hoàn toàn xứng đáng và đáng được công nhận, nhưng việc thiếu một giải Nobel dành cho toán học hoặc khoa học máy tính đã làm sai lệch kết quả. "Ủy ban Nobel không muốn bỏ lỡ xu hướng AI, vì thế họ rất sáng tạo khi để Geoffrey đoạt giải thông qua con đường vật lý", bà nói với Reuters. Đồng quan điểm, Noah Giansiracusa, giáo sư tại Đại học Bentley, nói: "Những gì ông ấy làm thật phi thường, nhưng đó có phải vật lý không? Tôi không nghĩ vậy. Ngay cả khi có nguồn cảm hứng từ vật lý, ông ấy không phát triển một lý thuyết mới trong vật lý hay giải quyết một vấn đề lâu dài trong vật lý". Một số chuyên gia khác đánh giá AI đang có sức lan tỏa rất lớn trong nghiên cứu học thuật khiến ranh giới giữa các lĩnh vực bị lu mờ, và "đang có sự ngưỡng mộ các nhà khoa học máy tính đến mức họ được phân loại vào bất kỳ lĩnh vực nào". Nội bộ bất ổn của OpenAI Sau vụ lật đổ CEO bất thành cuối 2023, nội bộ OpenAI tiếp tục xáo trộn mạnh. Hồi tháng 5, nhà đồng sáng lập kiêm kỹ sư trưởng Ilya Sutskever, người đứng sau vụ sa thải Sam Altman, thông báo rời OpenAI cùng nhà nghiên cứu máy học Jan Leike. Ilya Sutskever (phải) và Sam Altman. Ảnh: Abigail Uzi/YnetNews Sau đó, đến lượt hai thành viên sáng lập Andrej Karpathy và John Schulman lần lượt rời đi. Đến tháng 10, Mira Murati, giám đốc công nghệ của OpenAI và được gọi là "nữ tướng đứng sau ChatGPT", bất ngờ từ chức. Sau đó vài giờ, Altman thông báo giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu Barret Zoph cũng nghỉ việc. Khi đó, dẫn nguồn nội bộ, Business Insider cho biết hàng loạt cuộc đấu tranh quyền lực bên trong công ty khiến OpenAI chảy máu chất xám. Từ hoạt động phi lợi nhuận và phát triển AI vì nhân loại, Altman hướng OpenAI trở thành công ty vì lợi nhuận, khiến nhiều nhân viên cảm thấy không hài lòng. OpenAI và Altman cũng đang vướng vào vụ kiện với Elon Musk, khi tỷ phú Mỹ tố cáo công ty do ông đồng sáng lập đi chệch sứ mệnh ban đầu. Tuy nhiên trong tài liệu mới nhất, OpenAI đáp trả rằng chính Musk từ đầu đã muốn họ trở thành công ty vì lợi nhuận. 13.500 nhà sáng tạo phản đối AI Giữa tháng 10, hơn 13.500 người làm trong ngành sáng tạo như văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu và truyền hình khắp thế giới ký vào thư phản đối tình trạng khai thác trái phép tác phẩm của họ để đào tạo AI. Thư do cựu giám đốc điều hành công ty Stability AI kiêm nhạc sĩ Anh Ed Newton-Rex công bố, trong đó nêu rõ: "Sử dụng trái phép thành quả sáng tạo để huấn luyện AI là mối đe dọa lớn và bất công đối với kế sinh nhai của người đứng sau tác phẩm đó. Không nên cho phép". Từ trái qua: ca sĩ Björn Ulvaeus nhóm ABBA, diễn viên Julianne Moore và tác giả đoạt Nobel Văn học 2017 Kazuo Ishiguro có mặt trong danh sách người ký thư phản đối AI. Ảnh: AP/ Vanity Fair Trước đó, vào tháng 5, diễn viên Scarlett Johansson cũng dọa kiện OpenAI sao chép giọng cô cho trợ lý ảo Sky trong mô hình GPT-4o. Trên Instagram tháng 8, tài tử Tom Hanks đăng bài cảnh báo fan không được tin quảng cáo thần dược gắn với hình ảnh và giọng nói của ông trên Internet, nhấn mạnh đó là sản phẩm AI. Hồi tháng 6, ba hãng thu âm Sony Music, Universal Music Group và Warner Music Group nộp đơn kiện hai nền tảng sáng tác nhạc bằng AI là Suno và Udio, cáo buộc hai đơn vị này dùng hơn 1.000 bản thu âm làm nguồn dữ liệu đào tạo. Đến nay, nhiều vụ kiện giữa nghệ sĩ với các công ty sở hữu công cụ AI vẫn tiếp diễn. Loạt quy định về AI có trách nhiệm Vào tháng 3, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu thông qua nghị quyết bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát các rủi ro do trí tuệ nhân tạo gây ra. Tổ chức này kêu gọi các nước thành viên và các bên liên quan kiềm chế việc sử dụng AI không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế. Đến tháng 8, sau khi các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu ủng hộ, Đạo luật AI đã được thông qua, được xem là bộ luật hoàn chỉnh nhất, mở ra kỷ nguyên an toàn và trách nhiệm của trí tuệ nhân tạo trong khu vực. Luật yêu cầu đảm bảo an toàn và bảo mật, thông tin cá nhân và ngăn chặn rủi ro liên quan đến AI, tăng cường sự phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau cũng như trách nhiệm pháp lý của chúng. Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu bỏ phiếu về Đạo luật AI tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: AP Ngoài châu Âu, riêng năm nay đã có nhiều quy định được ban hành nhằm giảm thiểu mối lo ngại về quyền riêng tư, an toàn và phân biệt đối xử liên quan đến AI, như của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO. Riêng tại Mỹ, gần 700 văn bản luật về AI đã được đưa ra tại 45 bang trong năm 2024, tăng mạnh so với con số 191 năm ngoái. Cuối tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông qua sắc lệnh hành pháp nêu rõ nhiệm vụ phát triển an toàn AI. Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu phát triển AI Trong tháng 4, nhà máy AI đầu tiên tại Việt Nam được công bố thông qua sự hợp tác giữa Nvidia và FPT với mục tiêu phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam. Tháng 12, Chính phủ Việt Nam và Nvidia thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI, cũng như Trung tâm dữ liệu AI. Hai thỏa thuận được đánh giá là "dấu mốc quan trọng" đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu châu Á thời gian tới, tạo đột phá cho các ngành công nghệ then chốt, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp cho hàng nghìn nhân tài trong nước. Trong khi đó, theo nghiên cứu tại 14 thị trường châu Á của Cisco hồi tháng 11, Việt Nam là một trong những điểm sáng khi 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định nhu cầu AI ngày càng tăng trong năm. Doanh nghiệp Việt cũng dự tính đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực, với 48% cho biết sẽ dành 10-30% ngân sách CNTT để triển khai AI. Tỷ lệ ứng dụng AI trong công việc của người Việt và thế giới theo khảo sát của Microsoft. Còn theo khảo sát 31.000 người lao động từ 31 quốc gia của Microsoft hồi tháng 5, 75% đang sử dụng AI tạo sinh tại nơi làm việc. Riêng Việt Nam, tỷ lệ là 88%, cao hơn mức trung bình của thế giới. "Việt Nam cần thúc đẩy hơn cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và lãnh đạo, không chỉ thử nghiệm mà nên tận dụng AI như một trong các phương tiện chính để đạt được mục đích kinh doanh và tối ưu hóa hiệu quả của tổ chức", đại diện Microsoft nói. Bảo Lâm Điểm nhấn công nghệ Việt Nam 2024 6 điểm nhấn công nghệ thế giới 2024 Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ