Việt Nam là nước duy nhất Đông Nam Á trong danh sách quốc gia thực hiện hơn 1.000 ca hiến ghép tạng mỗi năm kể từ 2022, song số người chết não hiến tạng thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Thông tin được PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo nhân Tuần lễ vàng hiến tặng mô tạng, ngày 23/12. Mỹ là nước dẫn đầu thế giới với hơn 44.000 ca ghép một năm. Trung Quốc ở vị trí thứ hai với hơn 19.600 ca. Theo bà Tiến, số ca ghép tăng cao chứng tỏ trình độ khoa học kỹ thuật có bước tiến vượt bậc, làm chủ nhiều kỹ thuật khó và hơn nhiều nước trong khu vực. Trong hơn 1.000 ca ghép mỗi năm, Việt Nam thực hiện khoảng 100 ca ghép gan, 90 ca ghép tim, 13 ca ghép phổi, ghép tụy và ghép ruột non đều tiến hành hai ca. Số bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện ghép tạng tăng dần, lên 28 cơ sở. Việt Nam ghi nhận 36 người chết não hiến tạng từ đầu năm đến nay - kỷ lục trong lịch sử hiến ghép tạng, nâng tỷ lệ ca ghép từ nguồn hiến này lên 12% thay vì 6% như trước. Giai đoạn 2010-2022, mỗi năm tại nước ta có khoảng 10 ca hiến, đến năm ngoái tăng lên 14 ca. Số người hiến tạng chết não tại các bệnh viện tăng rất nhanh trong thời gian qua, đặc biệt từ hồi tháng 5 Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não và kêu gọi người dân chung tay tình nguyện đăng ký, cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, số người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Trên thế giới, tỷ lệ người hiến chết não trung bình chiếm khoảng 60% số ca ghép. Ở một số nước, tỷ lệ này có thể hơn 90%. Toàn cầu ghi nhận khoảng 40.000 người hiến chết não vào năm ngoái. Nhiều nước châu Âu không tiến hành thủ tục đăng ký hiến mô tạng mà theo nguyên tắc suy diễn là đương nhiên, tức sau khi chết thì hiến tạng với sự đồng ý của gia đình. Có những nước không cần gia đình đồng ý, mà áp dụng bằng lái xe có "ký hiệu đồng ý hiến tạng sau khi chết". Mỹ cho phép tử tù và tù nhân đăng ký hiến tạng sau khi chết để tăng nguồn tạng. Nhiều nơi cho phép ghép mô tạng từ người nhiễm HIV cho người nhiễm HIV. "Chi phí ghép tạng thấp hơn so với điều trị nội khoa", bà Tiến nói, thêm rằng các thống kê ghi nhận chi phí bảo hiểm sau ghép thận chỉ bằng nửa so với điều trị chạy thận, lọc màng bụng, chưa kể bệnh nhân có cuộc sống chất lượng sau ghép. Ở nhiều nước, bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ cho ghép tạng. Tại Việt Nam, dự kiến, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 100% cho ghép thận. Các y bác sĩ phẫu thuật nhận mô tạng chàng trai 18 tuổi chết não tại Bệnh viện Thống Nhất, ngày 24/11. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, cho rằng thiếu nguồn mô tạng dễ dẫn đến tệ nạn, tiêu cực mua bán. Rất nhiều vụ án liên quan mua bán tặng đã xảy ra, người cầm đầu đường dây có khi là người từng bán tạng. "Việt Nam có gần 10.000 người chết não do tai nạn giao thông hàng năm - điều không ai mong muốn, nhưng số ca hiến tạng rất ít", ông Phúc nói, cho rằng "lãng phí nguồn tạng khổng lồ". Dịp này, Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ được thành lập, do PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM làm chi hội trưởng. Bà Tiến cho rằng chi hội được kỳ vọng giúp số ca hiến ghép tăng lên nhanh chóng thời gian tới, góp phần hồi sinh nhiều người. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress