23h, cụ bà 85 tuổi bị tâm thần phân liệt lên cơn kích thích, ảo giác, chị Hân, 40 tuổi, vật lộn ghì chặt cho người bệnh uống thuốc, sau đó thức trắng đêm dỗ dành. Hai năm nhận làm giúp việc cho gia đình tại Vũng Tàu, người phụ nữ quê Hà Tĩnh đã quen thuộc với cảnh tượng này. Khi được cho uống thuốc, cụ bà bớt dần sự hung bạo, song vẫn liên tục nói nhảm, đi lại. Chị Hân thức trông cụ đến gần sáng, sau đó tất tả chuẩn bị đồ ăn, vệ sinh cá nhân, đưa bệnh nhân ra ngoài tắm nắng. "Chưa đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Phải thực sự kiên nhẫn", chị nói. Cụ bà có con cháu nhưng đều sinh sống ở nước ngoài, hoặc tỉnh xa, một năm thăm nom vài lần. Họ thuê chị với giá 500.000 đồng/ngày, công việc chủ yếu là chăm sóc bà cụ. Với Hân, đây là bệnh nhân khiến chị vất vả nhất trong 8 năm làm nghề. Chị Hạnh, 54 tuổi ở Thanh Hóa, cũng nhận chăm cụ bà đột quỵ 24/24h với giá 600.000 đồng/ngày, từng nghĩ rằng lương cao, "song không lường hết sự vất vả". Cụ bà 85 tuổi ở Tây Hồ (Hà Nội) nằm liệt giường, mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều do một tay chị Hạnh đảm nhận. Cách hai tiếng, chị phải lật cụ một lần để phòng biến chứng. Khó khăn nhất là lúc dìu cụ đi vệ sinh vì chị Hạnh cũng gầy gò, sức yếu. Có lần bị đau lưng, chị dìu chậm không kịp vào nhà vệ sinh, cụ bà đại tiện vấy bẩn cả người lẫn sàn nhà. Lúc rảnh rỗi, chị xoa bóp cho cụ. Thực phẩm, cách chế biến cần tuân thủ đúng chỉ định từ bác sĩ dinh dưỡng. Ăn cháo, uống thuốc đúng giờ, phải cẩn trọng để tránh sặc. Nhiều lần bị con cháu cụ hiểu lầm, chị Hạnh tấm tức muốn bỏ việc. "Họ theo dõi qua camera để nhắc nhở, có lần còn mắng mỏ, xúc phạm tôi", người phụ nữ tâm sự. Chăm sóc một người già yếu, bại liệt gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Thúy Quỳnh Theo một số báo cáo của các cơ quan nghiên cứu dân số, gia đình vào năm 2021, Việt Nam có hơn 4,3 triệu người cao tuổi sống một mình hoặc ở cùng người dưới 15 tuổi cần được hỗ trợ chăm sóc. Mặc dù tuổi thọ của người Việt có tăng, chất lượng sống người già còn thấp do bệnh tật. Với tuổi thọ bình quân trên 73, nam giới có 8 năm sống với bệnh tật và nữ giới là 11 năm. Trung bình, cứ một người cao tuổi Việt Nam mắc 3-5 bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời. Nhu cầu thuê người chăm sóc tại viện tăng nhanh trong những năm gần đây, theo ghi nhận từ các cơ sở y tế có nhiều bệnh nhân cao tuổi như Viện Lão khoa Trung ương, Việt Xô, Bạch Mai, Bệnh viện Thống Nhất, Nhân dân 115, Ung bướu, Chợ Rẫy... Một số bệnh viện liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh. Trong khi đó, các dịch vụ chăm người ốm ở nhà hình thành tự phát. Chỉ cần đăng bài lên mạng xã hội về tình trạng người bệnh, số điện thoại, sau vài phút, hàng chục bình luận "ứng tuyển", giá cả tùy tình trạng. Ở Hà Nội, chăm người già yếu, mắc các bệnh như xương khớp, ung thư, gặp khó khăn trong sinh hoạt, giá từ 300.000 đến 400.000 đồng/ngày. Với bệnh nhân mất kiểm soát vệ sinh, ăn xông qua dạ dày, chi phí cao hơn, khoảng 500.000 - 600.000/ngày. Còn ở TP HCM, người làm có thể nhận khoảng 400.000-600.000 đồng/ngày, giá tăng lên vào các dịp lễ, Tết. Với các trường hợp nuôi bệnh tại nhà, chủ nhà thường chi trả theo tháng, mức lương dao động 8-18.000.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương của nhóm này có thể cao gấp đôi người giúp việc nhà thông thường. Ngoài ra, các bệnh viện tư hoặc trung tâm y tế cũng mở dịch vụ, chi phí cao hơn khoảng 1-1,5 triệu/ngày. Đại diện một công ty dịch vụ giúp việc chuyên nghiệp cho biết người chăm sóc tại đây là điều dưỡng, có bằng cấp, kỹ năng y tế, được đào tạo bài bản, chăm sóc về tâm lý, dinh dưỡng, vệ sinh, chế độ sinh hoạt, tập luyện, hướng dẫn sử dụng thuốc, khả năng đối phó căng thẳng kéo dài. Một số bệnh viện tư cung cấp dịch vụ có luân phiên người thay hỗ trợ, trông 12 tiếng/người, hoặc nửa tháng thay người một lần, đảm bảo sức khỏe người chăm sóc được tốt nhất. Một người phụ nữ làm công việc chăm sóc người bệnh tại viện. Ảnh minh họa: Thục Anh Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, cho rằng việc chăm sóc người già mắc tai biến và đột quỵ là "gánh nặng cực kỳ lớn". Trường hợp chịu di chứng suốt đời như yếu liệt nửa người, người chăm sóc "vô cùng vất vả", phải túc trực 24/24, hỗ trợ tập đi đứng, ăn uống, sinh hoạt "hơn cả chăm một đứa trẻ". Đó là lý do khiến nghề chăm sóc người già yếu "lương cao nhưng khó nhằn". Chưa kể khi nằm kéo dài, nguy cơ biến chứng viêm loét, tỳ đè, đòi hỏi có kỹ năng để lật bệnh nhân thường xuyên. Nhiều trường hợp được yêu cầu có kinh nghiệm vỗ rung vật lý trị liệu để long đờm phòng viêm đường hô hấp, xoa bóp vận động các khớp liên tục để chống cứng khớp. Một số ca thần kinh hoặc di chứng tai biến ảnh hưởng tâm thần, người bệnh còn la hét, đánh đập, mắng mỏ, gây thương tích cho người chăm. Với những trường hợp phải hỗ trợ máy thở, oxy, người chăm sóc cần có kiến thức và canh chừng hoạt động của máy, thay bình oxy, khí dung. "Những công việc này kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, một người chăm sóc sẽ kiệt quệ, quá tải dù thu nhập tốt", bác sĩ Mạnh nói. Ở khía cạnh khác, đại diện Bệnh viện Bạch Mai nhận định nghề chăm người ốm đang tự phát và thiếu kiểm soát, không phải gia đình nào cũng đủ khả năng đáp ứng lâu dài. Nhiều người không nắm rõ tình trạng bệnh nhân, dẫn đến không cung cấp thông tin kịp thời cho bác sĩ. Họ cũng không có kiến thức và kỹ năng về tâm lý, nên thường cáu giận, chăm sóc qua loa, không động viên và bao dung với người ốm, khiến tinh thần bệnh nhân thêm sa sút. Tương tự, một bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực cho rằng nhu cầu cần nhân lực chăm sóc người ốm đang có khoảng trống rất lớn. Thực chất, chăm người bệnh là công việc của điều dưỡng, đặc biệt là trợ lý điều dưỡng, như hỗ trợ vệ sinh cá nhân, làm sạch chăn ga chiếu, giường bệnh; giúp người bệnh ăn uống, di chuyển trong nội bộ bệnh viện, làm các xét nghiệm... Thực tế, Việt Nam hiện thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực điều dưỡng chuyên chăm sóc người cao tuổi. Theo các báo cáo, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Mặt khác, Việt Nam thiếu các viện dưỡng lão hoặc trung tâm chăm sóc người cao tuổi, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Phần lớn người cao tuổi vẫn dựa vào gia đình để chăm sóc, nhưng con cháu ngày càng ít có khả năng đáp ứng do áp lực kinh tế và thời gian. Các bác sĩ khuyến nghị giới chức cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực cho ngành này, phát triển hệ thống chăm sóc dài hạn, hỗ trợ tài chính, bảo hiểm y tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc người cao tuổi... Còn các gia đình nên coi việc chăm sóc người già yếu là một hành trình dài, cần sự đồng lòng, chia sẻ từ tất cả thành viên, không thể giao phó hoàn toàn từ dịch vụ bên ngoài, bác sĩ Mạnh nói thêm. Thúy Quỳnh - Mỹ Ý Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress