Năm thứ hai tổ chức, cuộc thi thiết kế vi mạch TP HCM mở rộng quy mô toàn quốc nhằm tìm kiếm, ươm tạo các dự án tiềm năng thương mại hóa. Thông tin được ông Lê Quốc Cường, Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) chia sẻ tại lễ công bố Cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2 năm 2024, sáng 18/12. Cuộc thi do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức thường niên, dành cho sinh viên, học viên, các bạn trẻ đam mê nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn. Các dự án sẽ trải qua bốn vòng thi gồm: sơ tuyển, hoàn thiện ý tưởng, đánh giá chuyên môn và chung kết. Tham gia cuộc thi, thí sinh được đào tạo và tương tác với chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng, quy trình thiết kế trên các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế. Dự án đạt giải cao sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ ươm tạo, tiến tới phát triển và chuyển giao sản phẩm cho sản xuất. Theo ông Cường, đây là cách thức tổ chức mà Hiệp hội vi mạch bán dẫn toàn cầu (SEMI) cùng các doanh nghiệp dẫn đầu về thiết kế vi mạch như Cadence, Synopsys, Siemens đang thực hiện. Năm nay SHTP phối hợp Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC) và Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng tổ chức. Mục tiêu khuyến khích các sản phẩm có thể ứng dụng ngay. "Đơn vị tổ chức và các đối tác sẽ hỗ trợ nhiều nguồn lực để các dự án thực hiện thương mại hóa", ông Cường nói. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phó giám đốc phụ trách cơ sở Hà Nội của NIC, cho biết trong Chương trình phát triển nguồn nhân lực vi mạch đến 2030 định hướng 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao. Bà hy vọng cuộc thi năm nay sẽ nhận được nhiều ý tưởng sáng tạo, được hỗ trợ các nguồn lực phát triển thành dự án chất lượng cao. Năm đầu tổ chức cuộc thi nhận được 39 dự án tham gia, chủ yếu đến từ sinh viên. Ban tổ chức trao 7 giải, trong đó giải nhất (30 triệu đồng) cho dự án chip dùng cho cảm biến của sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM. Giải nhì (20 triệu đồng) được trao cho dự án thiết kế phần cứng khử sương mù trong hình ảnh của camera thông minh của sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Giải ba (10 triệu đồng) thuộc về dự án thiết kế mạch SAR ADC hiệu suất cao ứng dụng chuyển đổi số tín hiệu từ cảm biến cho hệ thống IoT của sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM. Có bốn giải khuyến khích (5 triệu đồng) mỗi giải cho bốn nhóm dự án thiết kế chip lĩnh vực bảo mật, nhận dạng chữ số, điều khiển... Theo Ban tổ chức, một dự án đoạt giải được doanh nghiệp quan tâm, đàm phán chuyển giao. Hà An Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress