Núi băng trôi lớn nhất thế giới di chuyển lần nữa, trôi dạt qua Nam Đại Dương sau nhiều tháng mắc kẹt và xoay tròn tại chỗ. Núi băng trôi A23a đã xoay tròn tại chỗ nhiều tháng. Ảnh: Richard Sidey/Eyos Expeditions Trải rộng trên diện tích 3.672 km2 khi đo vào tháng 8, lớn hơn một chút so với đảo Rhode, núi băng trôi A23a được các nhà khoa học theo dõi cẩn thận từ khi nó tách khỏi thềm băng Filchner - Ronne năm 1986. Nó bị mắc kẹt ở đáy biển Weddell của Nam Cực trong hơn 30 năm, cho tới khi thu hẹp đủ để thoát ra, theo CNN. Sau đó, núi băng trôi bị những dòng hải lưu cuốn đi xa trước khi mắc kẹt lần nữa ở cột Taylor, tên gọi một xoáy nước xoay tròn tạo bởi dòng hải lưu va vào một ngọn núi dưới biển. Hiện nay, núi băng trôi đã thoát khỏi cột Taylor, các nhà khoa học dự đoán nó sẽ tiếp tục trôi dạt theo dòng hải lưu tới vùng biển ấm hơn và hòn đảo xa xôi Nam Georgia. Tại đó, nhiều khả năng nó sẽ vỡ ra và cuối cùng tan chảy, theo thông báo của Cục khảo sát Nam Cực Anh (BAS). A23a giữ danh hiệu "núi băng trôi lớn nhất thế giới" vài lần từ thập niên 1980, đôi khi bị qua mặt bởi những núi băng trôi lớn hơn nhưng tồn tại trong thời gian ngắn hơn, bao gồm A68 vào năm 2017 và A76 vào năm 2021. Dù núi băng trôi đặc biệt này tách ra theo chu kỳ phát triển tự nhiên của thềm băng và không góp phần làm tăng mực nước biển, biến đổi khí hậu đang thúc đẩy những thay đổi đáng lo ngại ở Nam Cực, với nhiều hậu quả tiềm ẩn đối với mực nước biển toàn cầu. Việc theo dõi A23a có ý nghĩa vượt ngoài nghiên cứu khoa học. Núi băng trôi khổng lồ như vậy giải phóng dưỡng chất khi chúng ta chảy cùng lượng lớn nước ngọt. Ở ngoài khơi, điều này có thể có lợi nhưng nếu một trong những núi băng trôi mắc kẹt, chúng có thể làm xói mòn đáy biển, ảnh hưởng tới hệ sinh thái địa phương. An Khang (Theo CNN) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress