Trung Quốc có thể đánh bại cả NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) trong cuộc đua mang mẫu vật sao Hỏa về Trái Đất. Nhiệm vụ Thiên Vấn 3 sẽ bao gồm nhiều phương tiện. Ảnh: AzerNews Cơ quan vũ trụ Trung Quốc có thể mang mẫu vật từ sao Hỏa về Trái Đất đầu tiên theo kế hoạch đưa đá và trầm tích từ hành tinh đỏ trở về vào năm 2031, theo Live Science. Trong bài báo công bố trên tạp chí National Science Review, nhóm nghiên cứu đến từ Phòng thí nghiệm khám phá không gian sâu và các viện cộng tác lập kế hoạch cho Thiên Vấn 3, nhiệm vụ đổ bộ sao Hỏa gồm 2 tàu vũ trụ. Theo Jizhong Liu, trưởng thiết kế Thiên Vấn 3, nhiệm vụ đang trên đà phóng vào năm 2028. Thiên Vấn 3 sẽ bao gồm một tàu đổ bộ, một phương tiện bay lên quỹ đạo, một tàu quay quanh quỹ đạo và module trở về Trái Đất. Nhiệm vụ này cũng có thể sử dụng một trực thăng và robot 6 chân để thu thập mẫu vật ở xa tàu đổ bộ. Zengqian Hou, nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm khám phá không gian sâu thuộc Viện hàn lâm Khoa học địa chất Trung Quốc cho biết có 86 địa điểm tiềm năng đang được cân nhắc để làm nơi hạ cánh của tàu Thiên Vấn 3. Phần lớn tập trung ở Chryse Planitia, một đồng bằng nhẵn nhụi ở khu vực phía bắc xích đạo sao Hỏa và Utopia Planitia, bồn địa va chạm lớn nhất trên sao Hỏa, nơi Trung Quốc từng hạ cánh robot tự hành vào năm 2021. Những địa điểm này rất hứa hẹn đối với mục tiêu chủ chốt của nhiệm vụ Thiên Vấn 3 là tìm kiếm dấu hiệu của sự sống quá khứ trên sao Hỏa, theo Hou và cộng sự. Tiêu chí lựa chọn là địa hình hạ cánh tương đối dễ dàng với đá và trầm tích có thể vẫn lưu giữ dấu vết của sự sống sao Hỏa cổ đại. Mốc phóng tàu vào năm 2028 sẽ đưa tàu Thiên Vấn 3 trở lại Trái Đất năm 2031. Chuyến bay một chiều giữa Trái Đất và sao Hỏa thường kéo dài 7 - 11 tháng, tùy theo vị trí các hành tinh. Mẫu vật sẽ được phân tích bằng nhiều phương pháp, bao gồm khối phổ kế để xác định cấu tạo từ các nguyên tố và phân tích đồng vị nhằm xem xét tỷ lệ nguyên tố có thể hé lộ sự tồn tại trong quá khứ của những tổ chức sống. Nếu Thiên Vấn 3 diễn ra đúng tiến độ, nhiệm vụ này sẽ giúp Trung Quốc đánh bại NASA và ESA trong việc mang đá sao Hỏa về Trái Đất trước gần một thập kỷ. Hồi tháng 4, NASA thông báo nhiệm vụ Mars Sample Return (MSR) hợp tác với ESA, sẽ bị lùi tới thập niên 2030. Theo kế hoạch hiện nay, tàu đổ bộ MSR sẽ phóng vào năm 2035 và nhiệm vụ mang mẫu vật trở về sẽ không diễn ra trước năm 2040. Gần đây, nhiệm vụ Hằng Nga 6 của Trung Quốc cũng mang mẫu vật đầu tiên từ vùng tối của Mặt Trăng về Trái Đất. Kết quả phân tích sơ bộ hé lộ bằng chứng đầu tiên về hoạt động núi lửa ở vùng tối Mặt Trăng, chứng tỏ núi lửa từng phun trào ở đó cách đây 2,8 tỷ năm. An Khang (Theo Live Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress