Hà NộiThứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng Việt Nam có 20 triệu sinh viên, học viên - một nguồn dữ liệu phong phú để nghiên cứu, phát triển AI trong giáo dục và phát triển thành nguồn dữ liệu có chủ quyền của Việt Nam. Thông tin Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói tại hội thảo "Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học - AI4Edu 2024", tổ chức sáng 11/12 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Duy nhìn nhận, năm 2018 cả thế giới đều nghĩ AI là nhánh nghiên cứu sâu, nhưng chỉ 2-3 năm sau có sự bùng nổ với sự góp mặt của các tập đoàn, các doanh nghiệp. Trong bối cảnh phát triển đó việc đặt vấn đề AI trong giáo dục là phù hợp và đây là không gian tiềm năng. "Đây là thời điểm phù hợp để chúng ta đưa AI vào giáo dục và phát triển thành nguồn dữ liệu có chủ quyền của Việt Nam", Thứ trưởng Duy nói. AI có chủ quyền bao gồm cả cơ sở hạ tầng vật lý (mô hình nền tảng có chủ quyền, mô hình ngôn ngữ lớn được phát triển bởi dữ liệu, ngôn ngữ địa phương). Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC TS Lê Đức Trọng, trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), cho rằng AI không còn chỉ là xu hướng tương lai mà đã có thể xác định vai trò trong hỗ trợ học tập. Trong đó có các ngành học tập trung vào việc thiết kế, viết và duy trì các phần mềm và hệ thống máy tính như lập trình. Ông đề xuất các chương trình đào tạo nên được điều chỉnh chuẩn đầu ra theo các nhóm sử dụng. "Cần tiếp cận mở để sinh viên sử dụng công cụ AI nâng cao hiệu quả học tập", TS Trọng nói. TS Lương Ngọc Hoàng, trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP HCM), cho biết ứng dụng AI trong quản trị đại học đã trở thành một định hướng chiến lược, góp phần chuyển đổi số, phát triển các mô hình đại học trực tuyến (MOOC) và đại học chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra các thách thức lớn như thiếu đồng bộ về hạ tầng kết nối, thiếu nhân lực chuyên môn và nguy cơ bảo mật dữ liệu. "Cần cải thiện hạ tầng, nâng cao năng lực chuyên môn và điều chỉnh khung pháp lý để AI phát huy tối đa hiệu quả", TS Hoàng đề xuất. TS Lương Ngọc Hoàng đề xuất cải thiện khung pháp lý để AI phát huy hiệu quả. Ảnh: BTC PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó hiệu trưởng trường Đại học CMC đề cập đến một ứng dụng thực tiễn khác của AI: hỗ trợ đào tạo. Đây là công cụ tự động hóa quy trình hỏi - đáp và quản lý thông tin trong các trường đại học, giúp học viên và sinh viên giải quyết 80-90% nhu cầu trao đổi thường xuyên mà vẫn đảm bảo chất lượng thông tin. Bởi AI được thiết lập với cơ chế kiểm soát, đảm bảo tính chính xác và phù hợp trong các câu trả lời. Tuy nhiên, PGS Quỳnh lưu ý rằng AI vẫn cần cải thiện tốc độ xử lý và cần có cơ chế quản lý lịch sử hội thoại để đảm bảo tính chính xác và đồng nhất trong câu trả lời. Tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng để tối ưu hóa tiềm năng của AI, các trường đại học Việt Nam cần đầu tư đồng bộ về hạ tầng công nghệ và phát triển nguồn nhân chất lượng cao. Việc ứng dụng AI không chỉ cải thiện hiệu quả học tập và quản trị mà còn mở ra các giải pháp giáo dục mang dấu ấn riêng của Việt Nam. Nhật Minh Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress