Hàng nghìn năm trước, người Ai Cập đã ấp trứng nhân tạo bằng cách xây các lò ấp hai tầng bằng gạch và đốt lửa phía trên. Minh họa lò ấp trứng ở Ai Cập cổ đại. Ảnh: Amusing Planet Ngày nay, gà con trong các trang trại gần như không bao giờ do mẹ ấp nở. Thay vào đó, chúng được ấp bằng nhiệt nhân tạo trong những lò điện lớn gọi là máy ấp trứng, thiết bị có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quả trứng cùng lúc. Máy ấp trứng điện là một phát minh hiện đại, nhưng việc ấp nhân tạo đã tồn tại hàng nghìn năm. Người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên sử dụng lò ấp trứng gia cầm. Họ gây ấn tượng mạnh với du khách nước ngoài - những người chưa từng thấy thứ gì tương tự. Nhiều du khách đã để lại những ghi chép khó hiểu về phương pháp kỳ lạ mà người Ai Cập sử dụng để gà con nở ra. Vì hiếm khi được giải thích chi tiết về cách hoạt động của lò ấp, họ phải phỏng đoán và thường xuyên sai lầm. Một nhà văn cho rằng người Ai Cập ngồi lên và ấp trứng. Thầy tu Simon Fitzsimons, người đến Ai Cập vào thế kỷ 14, viết rằng gà sinh ra từ trứng nhờ lửa, không cần gà trống hay gà mái. Ông không biết rằng trứng đã được gà trống thụ tinh theo cách truyền thống trước khi đặt vào lò ấp. Ngay cả nhà bác học Hy Lạp Aristotle cũng từng viết về lò ấp, cho rằng trứng bị vùi trong những đống phân, vào khoảng thế kỷ 4 trước Công nguyên. Cuốn du ký đầu tiên được nhiều người đọc có đoạn mô tả tương đối thật về lò ấp trứng Ai Cập là The Travels of Sir John Mandeville, xuất bản năm 1356. "Có một tòa nhà chung trong thành phố chứa đầy các lò nhỏ, và phụ nữ trong thành phố mang trứng gà, ngỗng và vịt đến cho vào lò. Những người trông coi tòa nhà bao phủ trứng bằng nhiệt của phân ngựa, không có gà mái, ngỗng, vịt hay bất cứ gia cầm nào khác. Sau ba tuần hoặc một tháng, những người phụ nữ quay lại lấy gà con và nuôi chúng, để cả vùng đều có đầy gia cầm", Mandeville viết. Nhà tự nhiên kiêm nhà khoa học Pháp René Antoine Ferchault de Réaumur cung cấp mô tả chính xác đầu tiên về các lò ấp vào năm 1750. Réaumur đã tới Ai Cập và ghé thăm nhiều lò ấp, quan sát nông dân làm việc. Lò ấp trứng điển hình của Ai Cập là một cấu trúc bằng gạch cao khoảng 3 m, gồm một hành lang dài trung tâm với các phòng ở hai bên và xếp thành hai tầng. Hai tầng lớn tương đương nhau, có lối vào đủ lớn để một người bò vào trong. Trứng nằm ở tầng trệt, đặt trên đệm làm bằng sợi lanh hoặc rơm. Các phòng bên trên dùng để đốt lửa, sử dụng phân bò và lạc đà trộn với rơm. Điều này cho phép lửa cháy chậm hơn theo cách dễ kiểm soát hơn. Người trông coi thường đốt lửa hai lần mỗi ngày, tùy vào thời tiết, và xoay trứng để chúng được sưởi ấm đều từ mọi phía. Việc này tiếp diễn khoảng hai tuần, sau đó họ dập tắt lửa. Lúc này, các cơ quan trong phôi đã hoàn thiện và phôi tự sản xuất đủ nhiệt để tiếp tục quá trình ấp, mất thêm một tuần nữa để hoàn tất. Cuối cùng, trứng nở vào ngày thứ 21. Trở về Pháp, Réaumur đã cố gắng xây lò ấp theo phương pháp của Ai Cập, nhưng do khí hậu châu Âu mát hơn, ông không thành công như nông dân Ai Cập. Sau khi Réaumur qua đời, máy ấp trứng tiếp tục được Abbé JeanAntoine Nollet phát triển, sau đó là Abbé Copineau, người đã cải tiến thiết kế của Réaumur bằng cách dùng đèn cồn sưởi ấm trứng. Mãi đến cuối thế kỷ 19, máy ấp thương mại đầu tiên mới xuất hiện. Một lò ấp trứng truyền thống của Ai Cập dùng đèn dầu sưởi ấm trứng. Ảnh: Lenny Hogerwerf/Atlas Obscura Thế kỷ 21, tại Ai Cập, hàng trăm lò ấp vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống đã phát triển hàng nghìn năm trước, dù phân được thay thế bằng đèn dầu và máy sưởi điện. Nông dân vẫn không sử dụng thiết bị hiện đại như nhiệt kế hay bộ điều chỉnh nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ trong lò ấp. Thợ lò ấp lành nghề có thể đánh giá nhiệt độ bằng cách áp trứng vào mí mắt và để mắt cảm nhận nhiệt. Nếu quá nóng, trứng sẽ được phun nước. Để kiểm tra sự phát triển của trứng, người thợ chỉ cần giơ trứng lên soi trước một nguồn sáng như đèn. Vỏ trứng đủ mỏng để họ nhìn thấy bên trong. Những kỹ năng này được một số gia đình truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và giữ bí mật với bên ngoài. Tuy nhiên, các lò ấp truyền thống của Ai Cập có thể sớm biến mất. Theo khảo sát do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc thực hiện năm 2009, tất cả chủ lò ấp được hỏi đều bày tỏ mong muốn nâng cấp lên các phương pháp ấp hiện đại do tỷ lệ nở cao hơn. Thu Thảo (Theo Amusing Planet) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress