Bệnh viện Ung bướu TP HCM tiếp nhận 880.000 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó hơn 41.000 ca mắc mới ung thư trong năm 2024, tăng hơn 13% so với năm 2023. Thông tin được TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, chia sẻ tại hội thảo thường niên phòng chống ung thư do bệnh viện phối hợp tổ chức, ngày 5/12. Năm ngoái, nơi này đón hơn 720.000 lượt khám chữa bệnh, ghi nhận hơn 30.000 người mắc mới. Bệnh nhân ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất tại viện, với hơn 23%. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.700-4.900 lượt khám, không ngừng tăng lên từng năm. Khoảng 82% người đến từ các tỉnh thành khác, trong khi tỷ lệ này trước đây khoảng 75%. "Ung thư là nguyên nhân tử vong sớm, đứng thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch", bác sĩ Tuấn nói. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 người tử vong do ung thư. Tính chung ở cả hai giới, 5 loại ung thư đang dẫn đầu là vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng. Năm 2022, tỷ suất mắc mới ung thư ở Việt Nam xếp thứ 90 trên 185 quốc gia, song tỷ suất tử vong đứng vị trí 50 và ngày càng tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Nguyên nhân khiến lượt khám chữa bệnh ung thư tại TP HCM tăng là tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao trong bối cảnh tuổi thọ trung bình tăng. Cụ thể, càng lớn tuổi, thời gian tích tụ và phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ càng nhiều, thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người tăng, các chính sách bảo hiểm y tế tốt hơn, ý thức của người dân được nâng cao, hạ tầng giao thông phát triển... góp phần khiến ngày càng nhiều người tiếp cận việc khám, điều trị bệnh. Chưa kể, y học phát triển không ngừng với nhiều phương tiện chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm, người dân có điều kiện sàng lọc sớm nên số người được phát hiện bệnh tăng. Nhờ các phương pháp điều trị ngày càng tiến bộ, thời gian sống còn của bệnh nhân cao, lượt tái khám ung thư cũng nhiều lên. Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần PGS.TS Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho rằng ung thư vẫn là gánh nặng và thách thức với ngành y tế hiện nay. Điều này đòi hỏi phải từng bước nâng cao chất lượng điều trị cũng như chú trọng dự phòng, phát hiện sớm, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Tương tự, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng, nhận định phòng chống ung thư là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế thành phố. Số mắc mới, số tử vong không ngừng tăng lên, đòi hỏi ngành y tế không chỉ tập trung điều trị mà còn chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm và chăm sóc giảm nhẹ. TP HCM tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trong dự phòng và điều trị, phối hợp mở rộng mạng lưới phòng chống ung thư, đẩy mạnh liên kết vùng. Ngành y tế tạo điều kiện để các bệnh viện thúc đẩy phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, hỗ trợ y bác sĩ nâng cao năng lực chuyên môn qua các hợp tác quốc tế. Thời gian tới, thành phố tăng cường đầu tư ứng dụng y tế số giúp tối ưu hóa quy trình điều trị và nâng cao trải nghiệm người bệnh, cải thiện chất lượng sống bệnh nhân ung thư. GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, cho rằng với nhiều tiến bộ vượt bậc về phương tiện tầm soát, bùng nổ về điều trị, ung thư không còn là "cửa tử". Số người được điều trị khỏi, tỷ lệ sống còn 5 năm sau khi định bệnh ngày càng tăng. Việc phát hiện sớm có vai trò cực kỳ quan trọng, bởi "ung thư biết sớm trị lành, nếu mà để trễ dễ thành nan y". Hóa trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần Các bác sĩ khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn... Tiêm vaccine phòng bệnh. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ. Tầm soát ngay từ khi chưa có triệu chứng giúp có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm, việc điều trị nhẹ nhàng hơn, tăng cơ hội chữa khỏi hoàn toàn. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress