'Bỏ công bố quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam sẽ đi ngược thông lệ quốc tế'

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Nov 29, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 7)

    Góp ý cho Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) đại biểu Quốc hội cho rằng cần cắt giảm thủ tục hợp quy cho một số sản phẩm nhằm loại bỏ "giấy phép con", song điều này ngược thông lệ quốc tế.


    Chiều 28/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Một số ý kiến đề cập tới quy định hợp chuẩn hợp quy (tuân thủ quy định kỹ thuật) sự phù hợp của sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình với các tiêu chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc gia, quốc tế hoặc địa phương và chất lượng của sản phẩm được đánh giá.

    Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nói quy chuẩn kỹ thuật hiện chưa kịp thời đáp ứng được xu thế phát triển của khoa học, công nghệ cũng như nhu cầu của thị trường. Nhiều lĩnh vực phải sử dụng tiêu chuẩn của quốc tế. Một số quy định làm phát sinh ra giấy phép con hoặc quy định thủ tục hành chính chưa hợp lý.

    Ông Hạ cho biết doanh nghiệp có đề xuất bỏ thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ra khỏi diện phải công bố hợp quy theo quy định hiện hành. Các sản phẩm này là những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện phải thông qua thẩm định, đánh giá và được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện trước khi sản xuất.

    Ví dụ, thuốc thú y quản lý rất nghiêm ngặt, tuân thủ tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của WHO. Để được tổ chức sản xuất và cấp phép, lưu hành trên thị trường, từng sản phẩm phải đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành bởi Cục Thú y.


    [​IMG]

    Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ. Ảnh: Media Quốc hội


    Theo ông Hạ, việc yêu cầu buộc các doanh nghiệp phải công bố hợp quy một số sản phẩm có vướng mắc, trùng lắp và hình thức. Bản chất của công bố hợp quy không cải thiện được chất lượng của sản phẩm. Trong quá trình sản xuất và lưu thông đều được kiểm soát và kiểm định nghiêm ngặt. "Thêm công bố hợp chuẩn hợp quy coi như một giấy phép con, thêm chi phí cho doanh nghiệp, dễ dàng phát sinh tiêu cực và cũng làm tăng giá thành của sản phẩm", ông Hạ nói.

    Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó đoàn Bình Phước, nói dự thảo luật đã quy định cho phép doanh nghiệp tự đánh giá hợp quy, nhưng việc đánh giá này vẫn phải dựa trên kết quả thử nghiệm tại tổ chức được công nhận hoặc chỉ định. Thực tế một số loại hàng hóa vẫn có quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho người sử dụng; giảm thiểu rủi ro nhờ biện pháp quản lý. Nếu tiếp tục duy trì quy định phải hợp quy, tiền kiểm sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông sẽ gây tốn kém chi phí, làm chậm quá trình sản xuất, cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp.

    Bà đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về cơ chế hậu kiểm, nhằm xác định sản phẩm, hàng hóa để phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tạo sự linh hoạt cho các cơ quan quản lý chuyên ngành.

    Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, nói trong thực tiễn đã có những quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực nhưng không có đơn vị đánh giá sự phù hợp hoặc có nhưng không đủ công suất, đã gây ách tắc đến hoạt động của doanh nghiệp.

    Ông lấy ví dụ keo dán gỗ, khi hàng nhập về đến cảng nhưng bị ách tắc do doanh nghiệp không thuê đơn vị làm hợp quy. Trong khi đó doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng vật liệu xây dựng theo quy định hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra trước thông quan lại phải căn cứ vào kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Nhưng hiện tại, cơ quan quản lý chưa có văn bản nào chỉ định đơn vị chứng nhận hợp quy nên các doanh nghiệp hiện nay rất lúng túng.

    Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết không có sự chồng chéo giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các luật chuyên ngành khác. Về thủ tục công bố hợp quy, doanh nghiệp gặp khó khăn chủ yếu do vướng mắc luật chuyên ngành. Họ vừa phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật do bộ chuyên ngành xây dựng, vừa phải thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa. Như vậy là quy định quá nghiêm ngặt dẫn đến doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều thủ tục cùng lúc.

    "Bỏ thủ tục công bố hợp quy không khác nào Việt Nam bỏ quy chuẩn kỹ thuật vì đã có quy chuẩn kỹ thuật thì bắt buộc phải có công bố hợp quy thì mới kiểm soát, đảm bảo được chất lượng sản phẩm, hàng hóa", Bộ trưởng Đạt nói.


    [​IMG]

    Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Media Quốc hội


    Việc bỏ thủ tục công bố hợp quy hay quy chuẩn kỹ thuật sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế, đồng thời gây rủi ro, mất an toàn. Nhất là khi có những sản phẩm, hàng hóa không có biện pháp quản lý chất lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, làm rõ thêm quy định này.

    Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhất trí ý kiến doanh nghiệp đánh giá hợp quy dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp dựa trên các quy chuẩn; bổ sung cơ chế hậu kiểm đối với mức độ rủi ro của sản phẩm.

    Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025.


    Sơn Hà


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Bỏ công bố quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam sẽ đi ngược thông lệ quốc tế'

Share This Page