Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, khiến hai bệnh này trở thành nguyên nhân gây nhiều ca tử vong ở các nước. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK2 Phạm Trần Xuân Hồng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức. Thời tiết lạnh ảnh hưởng sức khỏe thế nào Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, tuần hoàn, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ. Khi nhiệt độ giảm, tỷ lệ đột quỵ tăng lên và là nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao ở nhiều nước. Một nghiên cứu tại Đức được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu ghi nhận cứ nhiệt độ giảm 2,9 độ C trong 24 giờ, đột quỵ sẽ tăng 11% và tỷ lệ cao hơn đối với những người đã có nguy cơ. Tại Brazil, nghiên cứu về khoảng 56.000 ca tử vong do đột quỵ trong hơn một thập kỷ ở Sao Paulo cho thấy nhiệt độ giảm có thể làm tăng số ca tử vong do đột quỵ, đặc biệt ở những người trên 65 tuổi. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não đã kiểm tra gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở Mỹ và nhận thấy chúng xảy ra thường xuyên hơn ở nhiệt độ trung bình lạnh hơn và khi nhiệt độ dao động đáng kể. Thực tế, tim cần làm việc chăm chỉ hơn lúc trời trở lạnh. Cụ thể, khi bạn ở ngoài trời trong thời tiết lạnh, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách thu hẹp các mạch máu để giữ nhiệt. Sự hạn chế lưu lượng máu này có thể hạn chế việc cung cấp oxy đến tim và tim phải làm việc nhiều hơn để lưu thông máu qua các mạch máu hẹp. Do co mạch ngoại vi, huyết áp của bạn có xu hướng tăng khi nhiệt độ ngoài trời giảm. Nhịp tim của bạn cũng có xu hướng tăng lên khi thời tiết lạnh như một cách để giữ ấm cơ thể. Điều này tăng thêm gánh nặng cho tim và khiến những người mắc bệnh tim có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy tim sung huyết (CHF) nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi thời tiết lạnh, các yếu tố đông máu của cơ thể hoạt động mạnh hơn, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch, tăng nguy cơ vỡ mảng bám, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngoài ra, nếu bạn không mặc quần áo phù hợp khi thời tiết lạnh, nhiệt độ cơ thể có thể giảm xuống dưới 95 độ F (35 độ C), đây là tình trạng hạ thân nhiệt. Nếu bạn bị hạ thân nhiệt, có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim, hệ thần kinh, các cơ quan khác và nó có thể gây ra rung nhĩ kịch phát (PAF). Nhiều ca đột quỵ xảy ra khi thời tiết lạnh. Ảnh: Net Doctor Cách phòng ngừa Hạn chế ra ngoài khi trời lạnh. Nếu đi ra ngoài, hãy mặc ấm nhiều lớp, giữ ấm đầu và tay, mang tất và giày ấm. Không gắng sức quá mức. Đừng để cơ thể trở nên quá nóng: Bạn mặc quần áo ấm và sau đó tham gia hoạt động thể chất có thể dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể, điều này khiến các mạch máu giãn ra hoặc giãn nở đột ngột dẫn đến hạ huyết áp (huyết áp thấp) nếu bạn mắc bệnh tim. Do đó khi ra ngoài trời lạnh và thấy đổ mồ hôi, có nghĩa cơ thể bạn đang tăng nhiệt độ. Nếu bạn có vấn đề tim mạch, hãy coi việc đổ mồ hôi này là một dấu hiệu nguy hiểm, nên dừng việc đang làm và vào trong nhà. Tiêm phòng cúm. Không uống rượu trước khi đi ra ngoài môi trường lạnh. Mỹ Ý Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress