Century, căn cứ quân sự Mỹ hoạt động bằng năng lượng hạt nhân bị bỏ hoang hàng chục năm, nằm sâu hàng chục mét dưới băng Greenland. Máy bay trang bị radar của NASA bay qua Greenland và chụp ảnh căn cứ Century. Ảnh: NASA/JPL-Caltech/NASA Earth Observatory Tháng 4, khi bay qua miền bắc Greenland, nhà khoa học NASA Chad Greene cùng các kỹ sư bất ngờ khi radar phát hiện một công trình nhân tạo bị vùi sâu dưới băng, CBS News hôm 27/11 đưa tin. Khi đó, họ đang dùng máy bay NASA Gulfstream III để rà quét vùng băng rộng lớn với một số nơi dày hơn 1,7 km. "Ban đầu chúng tôi không biết đó là gì. Chúng tôi đang tìm kiếm nền băng và căn cứ Century bất ngờ xuất hiện", Greene cho biết. Đây là căn cứ quân sự thời Chiến tranh Lạnh do công binh lục quân Mỹ xây dựng năm 1959. Được mệnh danh "thành phố dưới băng", khu phức hợp này gồm một mạng lưới đường hầm đào dưới tấm băng. Công trình bị bỏ hoang vào năm 1967. Qua thời gian, nó bị vùi lấp khoảng 30 mét dưới bề mặt khi tuyết và băng tích tụ. Căn cứ Century nằm trong Dự án Iceworm, kế hoạch bí mật nhằm thử nghiệm xây dựng bệ phóng tên lửa hạt nhân dưới tấm băng Greenland trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô lên cao. Tên lửa hạt nhân đã không thể đến căn cứ vì không được chính phủ Đan Mạch, quốc gia nắm giữ chủ quyền với Greenland, cấp phép. Tuy nhiên, khu phức hợp này hoạt động bằng lò phản ứng hạt nhân, để lại một lượng lớn rác thải phóng xạ, chất thải hóa học và sinh học. "Thành phố dưới băng" đã được phát hiện qua một số lần quét radar trước đó, nhưng các thiết bị trong chuyến bay của NASA hồi tháng 4 cung cấp bức tranh chi tiết hơn. "Trong dữ liệu mới, từng cấu trúc trong thành phố bí mật hiện rõ theo cách chưa từng thấy trước đây", Greene, chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, cho biết. Các lần quét trước sử dụng loại radar hướng thẳng xuống đất và chỉ tạo ra bản quét hai chiều của cấu trúc vùi dưới băng. Chuyến bay của Greene sử dụng Radar Khẩu độ Tổng hợp Máy bay Không người lái (UAVSAR) của NASA, có thể lập bản đồ với nhiều chiều hơn. "Các nhà khoa học đã dùng bản đồ lập bởi radar truyền thống để kiểm chứng những ước tính về độ sâu của căn cứ Century. Điều này giúp ước tính khi nào việc tấm băng mỏng dần và tan chảy sẽ khiến căn cứ lộ ra, kéo theo những chất thải sinh học, hóa học và phóng xạ từng bị chôn cùng căn cứ", Đài quan sát Trái Đất NASA cho biết. Một nghiên cứu năm 2016 cũng cho thấy căn cứ Century không còn được coi là "bảo tồn vĩnh viễn" do biến đổi khí hậu làm tăng tốc độ băng ở khu vực Bắc Cực tan chảy. Giới khoa học chưa rõ liệu thảm họa có xảy ra ở căn cứ này hay không, nhưng những dự án nghiên cứu như dự án hồi tháng 4 của NASA có thể giúp theo dõi tình hình. "Nếu không có kiến thức chi tiết về độ dày của băng, chúng ta không thể biết được các tấm băng sẽ phản ứng thế nào với tình trạng đại dương và khí quyển ấm lên nhanh chóng, làm hạn chế đáng kể khả năng dự đoán tốc độ nước biển dâng", Gardner lưu ý. Thu Thảo (Theo CBS News, IFL Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress