Thuốc có chức năng trị bệnh, trải qua kiểm nghiệm khắt khe, còn thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ tăng cường sức khỏe, không cần thử nghiệm lâm sàng. Theo PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP HCM, Chủ tịch Hội Dược học TP HCM, thuốc dùng để điều trị, chẩn đoán, phòng ngừa bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể. Thuốc thường có thành phần hoạt chất chính cùng các tá dược, tác động trực tiếp đến bệnh lý cụ thể, với cơ chế tác dụng rõ ràng, trực tiếp vào nguyên nhân gây bệnh hoặc triệu chứng. Theo quy định hiện nay, thuốc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành sau khi trải qua các giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và chứng minh hiệu quả, an toàn, được quản lý chặt chẽ. Thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh nhưng không có chức năng điều trị bệnh. Chúng tác động gián tiếp thông qua bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc các hoạt chất sinh học, cải thiện chức năng cơ thể. Thực phẩm chức năng bao gồm thực phẩm bổ sung (bổ sung vi chất như vitamin, khoáng chất), thực phẩm dinh dưỡng y học (dành cho người bệnh, người cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (bao gồm các sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe). Trong đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa các hoạt chất sinh học (như chiết xuất thảo dược, vi chất dinh dưỡng) với liều lượng thấp, hỗ trợ hoạt động của cơ thể nhưng không điều trị bệnh. Thuốc trị bệnh bán tại nhà thuốc bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần Theo bà Lan, điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng còn hơn thuốc, bơm thổi thành công dụng chữa bách bệnh, bệnh gì cũng chữa khỏi..., gây ngộ nhận cho người dùng. Nhiều nơi sử dụng hình ảnh của các cơ sở, nhân viên y tế, bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo thực phẩm. Vẫn còn nhiều quảng cáo trên mạng xã hội sử dụng ca sĩ, diễn viên, người của công chúng, tung hô không đúng công dụng sản phẩm. Chưa kể, vẫn có tình trạng thực phẩm chức năng sản xuất trái phép bằng "công nghệ xô, chậu", tức mua vỏ viên nang về, quậy trộn nguyên liệu rồi cho vào. Trong khi đó, theo quy định, thực phẩm chức năng phải được sản xuất hoặc nhập khẩu trong dây chuyền đạt chuẩn GPM (thực hành sản xuất tốt) mới được lưu hành thị trường. "Điều này đặt ra nhiều vấn đề với cơ quan quản lý, khó tránh khỏi tình trạng những sản phẩm chưa đạt len lỏi vào thị trường", bà Lan nói, thêm rằng không ai dám khẳng định tất cả thực phẩm chức năng trên thị trường người dân mua đều sản xuất đúng quy trình GMP. Hiện, TP HCM có khoảng 120 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng. Từ năm 2020 đến 2023, cơ quan quản lý đã rà soát các nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng trên các website và mạng xã hội với hơn 45.132 sản phẩm và đã phát hiện 659 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, chuyển bộ phận thanh tra. Năm 2023, Bộ Y tế xử phạt 28 cơ sở thực phẩm chức năng, tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Năm trước đó, hơn 40 cơ sở bị xử phạt hơn 2.76 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Người đứng đầu ngành an toàn thực phẩm TP HCM khuyến cáo người dân cần hiểu rằng thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Người tiêu dùng có thể phân biệt thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng cách kiểm tra nhãn mác. Thuốc thường có tên gọi mang tính chuyên môn, trong khi thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng thường có tên gọi dễ hiểu, gợi tả công dụng. Thuốc có chỉ định, chống chỉ định rõ ràng cho từng loại bệnh, còn thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng thường có những lưu ý chung. Mỗi sản phẩm đều có số đăng ký riêng, có thể tra cứu số đăng ký trên website của Bộ Y tế để xác minh thông tin sản phẩm. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất rõ ràng. Cảnh giác với các video "bác sĩ, lương y, bệnh nhân" tư vấn sản phẩm chữa bệnh, bởi nhân viên y tế không được phép quảng cáo mặt hàng này. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress