Người đầu tiên trên thế giới được ghép hai lá phổi bằng robot

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Nov 22, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 22)

    MỹCác bác sĩ phẫu thuật tại New York vừa thực hiện thành công ca ghép hai lá phổi hoàn toàn bằng robot đầu tiên trên thế giới.


    Bệnh nhân là Cheryl Mehrkar, 57 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ca phẫu thuật diễn ra tại Bệnh viện NYU Langone Health, hồi tháng trước. Hôm 22/11, người bệnh xuất viện.

    Mehrkar mang gene di truyền bệnh phổi và được chẩn đoán mắc COPD năm 43 tuổi. Tình trạng của cô trở nặng hơn sau khi mắc Covid-19 năm 2022. Trước đó, cô là người ưa mạo hiểm, thích lái môtô, lặn biển và có đai đen karate. COPD đã cản trở nhiều hoạt động của Mehrkar và cô sớm được đưa vào danh sách chờ ghép phổi.

    Đến tháng 10, bác sĩ thông báo cô đã đủ điều kiện phẫu thuật. Theo tiến sĩ, bác sĩ Stephanie Chang, phẫu thuật viên chính, thông thường, kíp mổ sẽ phải rạch một hoặc hai đường lớn để thay thế phổi. Tuy nhiên, với hệ thống robot, họ đã đặt 4 cánh tay nhỏ (kích thước 1,27 cm) và rạch một đường 5 đến 6,35 cm ở bên hông. Thông qua đó, họ có thể lấy phổi bị tổn thương ra và đưa phổi mới vào.

    "Như vậy, thay vì mổ phanh ở ngực, chúng tôi đã có thể phẫu thuật thông qua nhiều đường rạch nhỏ", bác sĩ Chang nói.

    Kíp mổ đã mất 6 tháng để chuẩn bị cho ca phẫu thuật kéo dài 7 tiếng. Các bác sĩ cũng đã thực hiện ba ca ghép một lá phổi bằng robot trong 5 tuần trước đó để hoàn thiện quy trình. Bác sĩ Chang cho biết, bệnh nhân dường như ít đau và hồi phục nhanh hơn nhờ hệ thống robot.

    "Bác sĩ Chang rất thẳng thắn. Cô ấy nói với tôi về ca phẫu thuật, thừa nhận kíp mổ chưa từng làm điều này trước đây và tôi sẽ là người đầu tiên trên thế giới. Cô ấy cũng nói rõ sẽ có rủi ro thất bại. Nếu trường hợp này xảy ra, họ sẽ ghép một bên phổi bằng robot và bên còn lại kiểu truyền thống", Mehrkar chia sẻ.


    [​IMG]

    Bệnh nhân Cheryl Mehrkar, 57 tuổi (trái) và bác sĩ Stephanie Chang, phẫu thuật viên chính. Ảnh: NYU Langone Health


    Mehrkar cho biết cô hoàn toàn tin tưởng đội ngũ bác sĩ và hào hứng trở thành người đầu tiên trên thế giới được cánh tay robot ghép hai lá phổi. Dù vậy, cô cũng hiểu rằng có khả năng, mình không thể tỉnh dậy được nữa.

    Sau khi Mehrkar hết thuốc gây mê, điều đầu tiên cô nghe được từ bác sĩ là: "Cheryl thân mến, chúng tôi đã thành công".

    Bác sĩ Chang rất hài lòng với sự tương thích giữa lá phổi mới và cơ thể Mehrkar trong suốt quá trình phẫu thuật cũng như hồi phục. Mehrkar cho biết, các chương trình điều trị trước đây chỉ tập trung vào chữa bệnh, không quan tâm đến chất lượng cuộc sống của cô.

    "Đối với chúng tôi, điều quan trọng không chỉ là kéo dài sự sống, mà còn giúp cô ấy tận hưởng cuộc sống hàng ngày. Cô ấy đang hồi phục tốt và hy vọng sẽ sớm quay lại làm những việc mình yêu thích", bác sĩ Chang nói.

    Mehrkar cho biết, kể từ ca phẫu thuật, quá trình hô hấp của cô hoàn toàn thay đổi. Gia đình Mehrkar đã lập một trang GoFundMe (gây quỹ trực tuyến) để hỗ trợ chi phí điều trị. Mehrkar nhớ lại tình trạng của mình trước đây, khi việc đi lại quanh phòng cũng khiến cô khó thở và mệt mỏi. Giờ đây, cô đã "khỏe hơn rất nhiều" và mong muốn trở lại lối sống năng động trước đó.

    "Hơi thở của tôi đã cải thiện 100%. Tôi có thể cảm nhận được ngay lập tức. Tôi rất hạnh phúc", Mehrkar nói. Cô cũng khen ngợi NYU Langone "rất coi trọng bệnh nhân" - điều cô cho rằng đã thực sự ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của mình.

    Sau thành công của ca phẫu thuật đột phá, bác sĩ Chang hy vọng robot sẽ tiếp tục thay đổi lĩnh vực y tế. bà cho rằng robot là bước đầu tiên hướng tới việc thực hiện các ca ghép tạng xâm lấn tối thiểu. Bà hy vọng điều này sẽ khiến bệnh nhân hồi phục nhanh, kiểm soát cơn đau và có kết quả tốt hơn.

    Thục Linh (Theo People)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Người đầu tiên trên thế giới được ghép hai lá phổi bằng robot

Share This Page