TP HCM ghi nhận 211 ca trong tuần qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm lên hơn 1.800, trong đó ba trường hợp tử vong. Đây là lần đầu số ca sởi tại thành phố vượt 200 một tuần, kể từ đầu mùa dịch. Những tuần trước đây, số ca thường quanh 100, hai tuần trước lần lượt tăng lên 141 và 167, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM. Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ 1-10 tuổi, từ hôm 31/8 - sau khi UBND công bố dịch, đến nay góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm trẻ 6 đến dưới 9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ. Từ đầu dịch đến nay, hơn 300 trẻ 6-9 tháng tuổi phát hiện bệnh, chiếm 17% tổng số ca mắc. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh sởi mới ở nhóm trẻ từ 9 đến dưới 12 tháng tuổi. Do đó, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế tiêm vaccine sởi cho trẻ 6-9 tháng tuổi. Sau một tuần triển khai, đến nay ngành y tế đã tiêm được hơn 3.000 mũi cho trẻ độ tuổi này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vaccine này được xem như mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng hai mũi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Trẻ nhỏ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Lê Phương Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng di biến động dân cư và việc bỏ sót trẻ chưa tiêm tại trường học là một trong những nguyên nhân gia tăng số ca mắc sởi. Kết quả khảo sát gần đây trên 35 trẻ 1-5 tuổi bị bệnh sởi tại thành phố cho thấy đến 23% trẻ không có thông tin trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia và 17% trẻ có địa chỉ khai báo địa chỉ ở tỉnh khác. Ngoài ra, khảo sát các trẻ mắc sởi cũng phát hiện 13 trường học báo cáo đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng nhưng vẫn sót trẻ chưa được tiêm vaccine. Với nhóm 1-10 tuổi, khảo sát trên 51 trẻ mắc bệnh ghi nhận đến 32 trẻ, tức 64% hoàn toàn chưa được tiêm vaccine sởi trước khi mắc bệnh. Có nhiều lý do khiến trẻ không được tiêm chủng như bố mẹ đi làm xa sống với ông bà, thường xuyên thay đổi chỗ ở, trẻ thường bị bệnh... Đáng lưu ý, có đến 14 trẻ không được bố mẹ, người thân cho tiêm chủng dù đã được mời nhiều lần và trẻ cũng hoàn toàn không có chống chỉ định, dẫn đến mắc bệnh. Sở Y tế yêu cầu các địa phương phối hợp rà soát lại tiến độ tiêm vaccine sởi tại trường học. Đồng thời UBND quận huyện tiếp tục duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động tại mỗi địa phương, không bỏ sót trẻ chưa được tiêm vaccine sởi. Phụ huynh và người thân trong gia đình cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress