Sụp mi là khi mở mắt mi trên sa xuống thấp hơn vị trí bình thường, ảnh hưởng đến chức năng và tâm lý khiến người bệnh mặc cảm. Bài viết được tư vấn chuyên môn của Ths.Bs Nguyễn Thị Hòa, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tổng quan Bình thường mi trên phủ rìa cực trên giác mạc 1-2 mm. Sụp mi là mí trên khi mở mắt ở vị trí thấp hơn vị trí bình thường này. Sụp mi ảnh hưởng đến chức năng như lâu ngày có thể gây nhược thị, giảm thị lực, biến dạng cột sống cổ, lệch cung mày, cường cơ nâng mi bên lành... và ảnh hưởng đến tâm lý. Điều trị Trước hết, phải điều trị sụp mi theo nguyên nhân gây bệnh. Sau khi điều trị bệnh toàn thân ổn định như nhược cơ, u não, chấn thương liệt dây thần kinh III... mắt vẫn còn sụp mi thì phẫu thuật. Trẻ em sụp mi độ III, độ IV (bờ mi trên đã che qua đồng tử của bệnh nhân), phải điều trị sớm từ 3 tuổi hoặc khi đủ điều kiện gây mê, đề phòng nhược thị. Sụp mi nhẹ độ I, II ít có nguy cơ nhược thị, chủ yếu ảnh hưởng thẩm mỹ, nên cho trẻ phẫu thuật trước khi vào lớp 1 để bé tự tin và hòa đồng với tập thể. Phương pháp điều trị Thu ngắn cân cơ nâng mi, khâu gấp cơ nâng mi, cắt cơ Muller, cắt cơ Muller và sụn kết mạc. Phương pháp này áp dụng cho sụp mi vừa và nhẹ, chức năng cơ nâng mi còn duy trì. Treo mi bằng chỉ, silicon, cân đùi: Đây là phương pháp treo tĩnh nên cử động mi không tự nhiên, gây cảm giác nặng mi, dễ tái phát. Treo mi bằng vạt cơ trán: Ưu điểm của phương pháp là sử dụng cơ trán thay thế cho cơ nâng mi bị yếu hoặc mất chức năng, áp dụng được cho sụp mi mức độ vừa và nặng, sụp mi tái phát sau khi phẫu thuật bằng các phương pháp khác Biến chứng Biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật điều trị sụp mi như điều chỉnh quá mức hoặc chưa đủ, không cân xứng hai bên, hở mi đẫn đến viêm loét giác mạc, lật hoặc quặm mi, bờ mi gập góc (cong không bình thường), nếp mi không đẹp,... Để hạn chế biến chứng, cần đến những cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress