ĐứcBác sĩ Eliza Pierko cứu một người đàn ông tại giải chạy marathon, sau đó tiếp tục hoàn thành cuộc đua và phá kỷ lục cá nhân. Tiến sĩ Eliza Pierko, bác sĩ đa khoa thể thao tại Loyola, tham gia marathon Berlin vào cuối tháng 9. Đây là cuộc đua đầu tiên của cô sau vài năm phải nghỉ chạy vì gãy chân. Các bác sĩ từng nói rằng cô không thể tập lại môn thể thao này được nữa. Tại mốc 34 km, Pierko nhìn thấy một người đàn ông nằm bất động. Cô đã thực hiện hô hấp nhân tạo (CPR) cho người đàn ông này trong hơn 4 phút cho đến khi có sự trợ giúp. Là bác sĩ y khoa thể thao tại Loyola, cô không xa lạ với những chấn thương của người tập luyện. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Pierko sơ cứu cho người bị nạn ngay trên đường đua. "Người chạy bắt đầu chuyển sang màu xanh tím và ngừng thở", Pierko nói với NBC Chicago. Sau trải nghiệm này, Pierko quay trở lại đường đua. Cách đó gần 1 km, chồng Pierko đang cố gắng vượt lên để quay phim vợ mình chạy marathon. Anh đã rất sốc khi nghe Pierko kể lại những gì vừa xảy ra. "Adrenaline tăng lên rất nhanh, tôi không cảm thấy gì cả. Tôi không biết mình lấy đâu ra năng lượng để làm điều đó, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên", Pierko chia sẻ. Pierko từng hỗ trợ sơ cứu hàng chục bệnh nhân bằng phương pháp CPR và tin rằng bất cứ ai biết thực hiện quy trình này cũng có thể cứu người. "Thực hiện CPR kịp thời, dù chưa đúng kỹ thuật cho lắm vẫn tốt hơn là không làm CPR. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình không giỏi, bạn vẫn có thể hành động và giúp đỡ người khác. Bạn không cần phải là bác sĩ mới có thể cứu sống một mạng người", Pierko nói. Tình trạng của người đàn ông được Pierko cứu vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên không có trường hợp tử vong nào được báo cáo tại marathon Berlin. Pierko không chỉ hoàn thành cuộc đua, cô còn phá kỷ lục cá nhân của mình. Bác sĩ Eliza Pierko, chuyên khoa y học thể thao tại Loyola. Ảnh: Suntimes Hồi sức tim phổi gồm ba bước là khôi phục lưu lượng máu, mở đường thở và thổi ngạt, có thể tăng cơ hội sống sót cho nạn nhân ngưng tim. Đây là hành động dùng tay ép ngực để bắt chước cách tim bơm máu, biện pháp này giúp giữ máu lưu thông khắp cơ thể. Để khôi phục đường thở, người sơ cứu cần đặt nạn nhân nằm ngửa trên bề mặt vững chắc, quỳ bên cạnh cổ và vai người đó. Tiếp theo, đặt dòng bàn tay lên giữa ngực nạn nhân, giữ khuỷu tay vuông góc với cơ thể nạn nhân, đồng thời đẩy thẳng (ép) ngực xuống ít nhất 5 cm, không quá 6 cm. Người sơ cứu sử dụng toàn bộ trọng lượng cơ thể (không chỉ cánh tay) để ép xuống khi thực hiện động tác này. Tốc độ ép tim được khuyến nghị là từ 100 đến 120 lần một phút. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nếu chưa được đào tạo bài bản, hãy ép tim cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu cử động hoặc nhân viên y tế đến cấp cứu. Nếu đã được huấn luyện, người sơ cứu có thể đến bước thứ hai là mở đường thở bằng cách nghiêng đầu và nâng cằm nạn nhân. Bạn đặt lòng bàn tay của bạn lên trán, nhẹ nhàng giúp người bệnh ngửa đầu ra sau. Với tay còn lại, bạn nhẹ nhàng nâng cằm nạn nhân về phía trước để mở đường thở. Hồi sức tim phổi cũng có thể thực hiện bằng miệng nếu nạn nhân bị thương nặng vùng mặt, gây khó thở. Các chuyên gia hướng dẫn bịt chặt lỗ mũi người bệnh, dùng miệng bạn bao kín miệng nạn nhân và bắt đầu thổi ngạt. Người sơ cứu có thể thổi ngạt hai lần, lần đầu kéo dài một giây và theo dõi xem lồng ngực nạn nhân có căng lên hay không. Nếu lồng ngực căng, bạn hãy thổi ngạt lần hai. Sau đó, bạn tiếp tục ép ngực để khôi phục lưu lượng máu. Các chuyên gia khuyến nghị thực hiện chu kỳ CPR 5 lần (30 lần ép ngực và hai lần thổi ngạt trong vòng hai phút). Sau 5 lần CPR, mọi người có thể kiểm tra hơi thở và mạch của nạn nhân lần nữa. Nếu có mạch nhưng nạn nhân không thở, không tiếp tục thực hiện ép ngực. Chỉ tiếp tục thổi ngạt trong mỗi 5-6 giây, nên làm đủ 20 lần thổi trong 20 phút. Thục Linh (Theo NBC) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress