Các nhà nghiên cứu tìm thấy một số cá thể thuộc loài cá chép hồi khổng lồ từng bị cho là tuyệt chủng trên sông Mekong. Một trong hai cá thể cá chép hồi khổng lồ tìm thấy ở Campuchia năm 2023. Ảnh: Chhut Chheana/Wonders of the Mekong Khi các nhà khoa học nghe báo cáo về một loài cá lớn bí ẩn bị bắt ở Campuchia năm 2020, họ nghi ngờ đó có thể là cá chép hồi khổng lồ có biệt danh "bóng ma Mekong", loài cá ẩn dật chưa từng xuất hiện từ năm 2005 và có khả năng đã tuyệt chủng. Nhưng con cá đã bị bán trước khi họ có thể xem xét kỹ hơn, theo Zeb Hogan, nhà sinh vật học ở Đại học Nevada, Reno, người đứng đầu dự án Wonders of the Mekong, sáng kiến nhằm nghiên cứu và bảo tồn một trong những dòng sông đa dạng sinh thái nhất thế giới. Ba năm sau, Hogan và cộng sự gặp may. Các ngư dân Campuchia bắt được hai con cá trên sông Mekong nặng 5 - 6 kg và dài 0,6 - 0,9 mét. Lần này, nhóm nghiên cứu có thể mua lại và kiểm tra trực tiếp con cá. Họ công bố phát hiện hôm 22/10 trên tạp chí Biological Conservation. Sông Mekong chảy qua nhiều nước Đông Nam Á và cực kỳ phong phú về mặt đa dạng sinh thái. Nhưng dòng sông cũng đối mặt nhiều thách thức bao gồm phát triển thủy điện, đánh bắt cá quá mức và môi trường sống xuống cấp. Những thách thức này là lý do các nhà khoa học lo ngại "bóng ma Mekong", loài cá chép hồi khổng lồ cực kỳ nguy cấp có thể nặng tới 30 kg và dài 1,2 mét, có thể đã bị xóa sổ một cách lặng lẽ sau nhiều năm vắng bóng. Loài cá bản xứ trên sông Mekong bị bao trùm dưới bức màn bí ẩn từ khi có tên gọi chính thức vào năm 1991. Từ sau đó, chưa đến 30 cá thể được ghi nhận, khiến chúng trở thành loài cực hiếm gặp. Nhóm nghiên cứu của Hogan đã tìm kiếm cá chép hồi khổng lồ trong thời gian dài, lùng sục những chợ cá địa phương và làm việc với ngư dân địa phương. Bản thân Hogan, người dành phần lớn sự nghiệp nghiên cứu cá ở lưu vực sông Mekong, mới chỉ nhìn thấy cá chép hồi khổng lồ vào đầu thập niên 2000. "Việc tái phát hiện cá chép hồi khổng lồ là một lý do để hy vọng, không chỉ cho loài này mà đối với toàn bộ hệ sinh thái sông Mekong", trưởng nhóm nghiên cứu là Bunyeth Chan đến từ Đại học Svay Rieng ở Campuchia, chia sẻ. Có nhiều điều các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết, như có bao nhiêu con cá chép hồi khổng lồ thực sự tồn tại hoặc quần thể đó cư trú ở đâu. Ba con cá tìm thấy trong năm 2020 - 2030 được tìm thấy ngoài phạm vi sinh sống thông thường, có nghĩa còn nhiều con sống ở khu vực chưa biết hoặc chúng di cư tới đó từ nước láng giềng Lào hoặc Thái Lan. Nhóm chuyên gia hy vọng việc tái phát hiện cá chép hồi khổng lồ có thể cung cấp động lực cho nhiều hoạt động nghiên cứu và bảo tồn hơn, bao gồm tạo ra nhóm quốc tế ở Campuchia, Lào và Thái Lan để tìm hiểu kỹ hơn về loài cá này. An Khang (Theo CNN) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress