Số bệnh nhân sởi tại 19 tỉnh thành phía Nam đang tăng nhanh, chủ yếu trẻ 1-10 tuổi, song xuất hiện ổ dịch ở người lớn trong nhà máy. "Ca sởi ở phía Nam tăng nhanh chưa có điểm dừng", ThS.BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP HCM, nói tại họp giao ban về phòng chống dịch sởi ở UBND TP HCM, chiều 16/10. Ông Quang không cho biết rõ sởi xuất hiện tại nhà máy nào. Đến nay hầu hết ghi nhận sởi trên trẻ nhỏ, ít lây nhiễm cho người lớn, và theo quy định nơi ghi nhận từ hai ca trở lên được xem là ổ dịch. Theo bác sĩ Quang, hơn 50% ca sởi do các địa phương phát hiện song điều trị tại TP HCM. Ngoài ra, rất nhiều các ca mắc có bệnh nền, bệnh bẩm sinh điều trị tại TP HCM. Đây là những nguồn "châm" tác nhân gây bệnh thêm cho thành phố, khiến tỷ lệ mắc bệnh trên địa bàn duy trì ở mức ngang, không giảm nhanh như kỳ vọng khi UBND công bố dịch hồi cuối tháng 8. "Muốn giảm ca mắc nhanh thì TP HCM phải là vùng an toàn, tức tỷ lệ miễn dịch của trẻ em phải cao", ông Quang giải thích. Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết số ca sởi của thành phố tuần qua bắt đầu thấp hơn tuần trước đó, song vẫn còn cao, "chưa thể yên tâm". Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 1.000 ca, trong đó 4 trường hợp tử vong. Số ca điều trị nội trú có xu hướng giảm rõ rệt trong hai tuần qua. Trẻ 1-5 tuổi mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất với 35%, chưa giảm nhiều. Tuy nhiên, nhóm 11-17 tuổi mắc bệnh đang có độ tăng rất nhanh. Số ca trên 18 tuổi cũng có dấu hiệu tăng. Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, sau 1,5 tháng triển khai chiến dịch tiêm vaccine, thành phố đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine đạt xấp xỉ 100%, có nhiều quận huyện đạt đến 120%, tức số trẻ đi tiêm thực tế nhiều hơn số rà soát được ban đầu. "Theo lý thuyết của Tổ chức Y tế thế giới thì sau khi bao phủ vaccine trên 95%, số ca mắc sẽ giảm nhanh, chúng ta lại chưa giảm như mong đợi", bác sĩ Châu nói. Điều này có thể do thành phố có sự di biến động dân cư lớn, nhiều trẻ từ địa phương khác tới sinh sống chưa được cập nhật vào danh sách quản lý y tế của địa phương để mời gọi đi chủng ngừa. Do đó, khả năng rất nhiều trẻ sống trên địa bàn nhưng bị bỏ sót. Khảo sát ngẫu nhiên mới đây của HCDC tại 5 quận huyện ngoại thành và 5 quận huyện nội thành, ghi nhận gần 20% trẻ sống tại TP HCM nhưng địa chỉ khai báo trên hệ thống không thuộc thành phố, nên các trạm y tế phường xã sẽ không phát hiện và theo dõi tình trạng tiêm chủng. Tỷ lệ này không khác biệt giữa nội thành, ngoại thành, chứng tỏ vấn đề di biến động dân cư ảnh hưởng không chỉ riêng các quận huyện ngoại thành. Thậm chí, có những trường hợp trẻ ở thành phố 70 tháng vẫn chưa được cập nhật vào hệ thống. "Thực tế qua khảo sát cho thấy thành phố chỉ mới tiêm bù được cho 54% trẻ sống trên địa bàn, còn đến 46% trẻ thiếu mũi sống trên địa bàn nhưng chưa được tiêm bù trong chiến dịch", bác sĩ Nga nói. Do đó, các chuyên gia ngành y tế mong ngành công an phối hợp trong việc rà soát số liệu. Hiện, ngành công an chỉ cung cấp tổng số trẻ sinh sống trên từng địa bàn để phía y tế tự đi rà soát, chưa cung cấp danh sách chi tiết, dẫn đến nhiều trẻ chưa được quản lý y tế. Đồng thời, ngành giáo dục cần hỗ trợ nhiều hơn trong việc rà soát học sinh chưa chủng ngừa. Bác sĩ Quang đề nghị các trường học không chỉ dừng lại ở việc hỏi phụ huynh là trẻ đã tiêm đủ mũi hay chưa, mà cần yêu cầu chụp sổ chủng ngừa gửi để giáo viên kiểm tra. "Có những trường hợp phụ huynh không muốn cho trẻ tiêm ngừa, không nhớ rõ lịch sử tiêm, nếu không kiểm tra sẽ bỏ sót đáng kể", bác sĩ nói. Tiêm vaccine sởi cho trẻ trong chiến dịch tiêm chủng tại TP HCM. Ảnh: Trung tâm Y tế quận 10 Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát kỹ, chích ngừa cho những trẻ bị sót, bởi số ca mắc giảm chưa như kỳ vọng. Đặc biệt, có những quận huyện tỷ lệ tiêm chủng rất cao nhưng số ca vẫn còn tăng. Do đó, ngành công an, giáo dục phải phối hợp cùng ngành y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch của các quận huyện để chấn chỉnh lại, có giải pháp phù hợp, giúp thành phố sớm công bố hết dịch. Điều kiện công bố hết dịch theo quy định Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm là không xuất hiện thêm ca bệnh mới trong 21 ngày, sau khi bao phủ vaccine, xử lý tốt các ổ dịch. Vừa rồi, quận 4 có hai tuần liên tiếp không ghi nhận ca bệnh, song đến tuần thứ ba lại xuất hiện ba ca cùng lúc. Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế hướng dẫn chỉ định tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, thay vì đợi đến đủ 9 tháng tuổi mới tiêm như quy định trước đây, sau khi ghi nhận số ca mắc tăng ở nhóm tuổi này. Ngành y tế cũng kiến nghị UBND cho phép mở rộng một số đối tượng tiêm chủng vaccine sởi như người chung lớp với ca bệnh, bao gồm cả giáo viên, nhân viên các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, nhân viên chăm sóc người bệnh AIDS. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress