Dùng fanpage 'tích xanh' giả công an, dụ nạn nhân chuyển tiền

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Oct 8, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 67)

    Một số trang Facebook có tích xanh mạo danh cơ quan của Bộ Công an và đăng thông tin "hỗ trợ người dân lấy lại tiền bị lừa".


    Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 7/10 cảnh báo về tình trạng fanpage giả mạo trên mạng xã hội. Các trang này lấy tên liên quan đến một số đơn vị của Bộ Công an, như "Cục An ninh", "C02" với ảnh đại diện là Công an hiệu. Nguy hiểm hơn, theo Cục An toàn thông tin, những fanpage này có tích xanh của nền tảng.

    Các nhóm đứng sau đăng nhiều video, bài viết với nội dung khuyến cáo về các phương thức chiếm đoạt tài sản, nhằm lấy lòng tin người dùng. "Chúng lồng ghép quảng cáo về các vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa với cam kết chỉ thu tiền sau khi nạn nhân đã nhận được số tiền đã mất", Cục cho biết.

    Đây thực chất vẫn là chiêu lừa tiền lần hai, nhắm tới những người từng mất tiền qua mạng. Theo đó, các nhóm lấy danh nghĩa cơ quan thực thi pháp luật, hứa hẹn có thể hỗ trợ thu hồi tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng, khiến nhiều người lầm tưởng và nghe theo.

    [​IMG]

    Một bài viết cảnh báo về tình trạng các fanpage "tích xanh" giả mạo cơ quan Công an. Ảnh: Lưu Quý


    Nhiều nạn nhân tin các trang này do thấy tích xanh nên đã liên hệ nhờ hỗ trợ và bị chúng dụ chuyển tiền "để thực hiện các thủ tục liên quan". "Hệ quả là không chỉ khoản tiền bị lừa trước đó không được lấy lại, họ còn tiếp tục mất thêm tiền", cảnh báo nêu.

    Trên Facebook và một số mạng xã hội khác của Meta, tích xanh là dấu hiệu nhận biết trang đã được xác thực chính chủ, giúp người dùng phân biệt được trang thật của tổ chức và trang mạo danh. Tuy nhiên thời gian qua đã xuất hiện tình trạng lừa cấp tích xanh, hoặc kẻ tấn công chiếm những fanpage đã được xác thực, sau đó đổi tên và đăng nội dung vi phạm.

    Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục khuyến cáo người dùng cảnh giác trước mọi trang Facebook quảng cáo về dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", hay "thu hồi tiền lừa đảo".

    Trước khi thực hiện bất cứ việc gì, đặc biệt là liên quan tới chuyển tiền, cần kiểm tra danh tính và độ uy tín của người hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ, không truy cập vào đường liên kết hoặc tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc, không thực hiện theo hướng dẫn của người chưa rõ danh tính. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa, người dùng cần báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

    Lưu Quý


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Dùng fanpage 'tích xanh' giả công an, dụ nạn nhân chuyển tiền

Share This Page