Ngày hè, để bé đi chơi xa không bị suyễn

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, May 16, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 487)

    Cần cho trẻ khám bệnh trước khi đi, toa thuốc nên mang 2 bản để đề phòng thất lạc. Tránh ngồi gần người hút thuốc lá và lưu ý phải uống đủ nước trên đường đi.


    Mùa hè, bé có thể cùng gia đình đi du lịch, về quê thăm ông bà, họ hàng... Với những trẻ khỏe mạnh bình thường, khi cho đi chơi xa bố mẹ không cần phải lo lắng quá nhiều. Với bé mắc bệnh hen suyễn, bố mẹ cần có sự chuẩn bị chu đáo.

    Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng I, trẻ hen suyễn có thể gặp nhiều tác động bất lợi khi đi chơi xa, tăng nguy cơ tiếp xúc với dị ứng nguyên mới. Bé cũng có thể stress, nhất là khi ngồi xe quá lâu. Các yếu tố dị ứng liên quan đến phương tiện di chuyển như nấm mốc ở đệm, thảm xe, hệ thống không khí, khói thuốc lá, khói xe... Ngoài ra, yếu tố thời tiết, khí hậu thay đổi cũng góp phần khiến bệnh khó kiểm soát.

    Để đảm bảo có kỳ nghỉ an toàn, bổ ích, ngoài những sự chuẩn bị thông thường, phụ huynh cần phải đặc biệt lưu tâm nhiều thứ hơn khi cho trẻ mắc bệnh hen suyễn đi chơi xa.

    Trước khi đi cần cho trẻ khám bệnh để bảo đảm suyễn đang được kiểm soát tốt, được bác sĩ kê toa thuốc phòng ngừa, cắt cơn. Ngoài ra phụ huynh cần được hướng dẫn cách xử trí khi trẻ lên cơn, cách sử dụng các dụng cụ hít, khí dung. Cần được tư vấn về các tác động có thể có ảnh hưởng xấu ở nơi đến, chẳng hạn như vườn hoa, sở thú... thường có nhiều yếu tố gây dị ứng. Tìm hiểu trước các cơ sở y tế ở nơi sẽ đến.

    [​IMG]
    Cần khám bệnh cho trẻ trước chuyến đi chơi xa. Ảnh: Lê Phương.

    Trong quá trình di chuyển, cần mang theo toa thuốc và lưu ý nên mang 2 bản để đề phòng thất lạc. Cần mang đủ thuốc phòng ngừa và cắt cơn cho cả chuyến đi. Thuốc cần để trong cả hành lý xách tay và hành lý ký gửi. Về dụng cụ điều trị suyễn, tốt nhất là dùng dụng cụ hít định liều (MDI), buồng đệm. Khi sử dụng những dụng cụ trị bệnh, cần chú ý đến vấn đề nguồn điện, ổ cắm ở nơi đến.

    Bác sĩ Tuấn gợi ý, khi đi bằng xe, cần mở máy điều hòa với cửa sổ mở trước ít nhất 10 phút để luồng máy lạnh đẩy không khí ra ngoài. Nếu đi đường bụi bặm nhiều cần đóng kín cửa sổ, khi mở điều hòa nên dùng chế độ một chiều. Tránh ngồi gần người hút thuốc lá và lưu ý phải uống đủ nước trên đường đi.

    Ở nơi đến, cần tiếp tục uống đủ thuốc đều đặn theo hướng dẫn. Điều chỉnh giờ uống thuốc theo giờ theo địa phương. Phụ huynh cần luôn mang theo bên mình thuốc cắt cơn. Để ý tránh các yếu tố dị ứng nguyên, yếu tố có thể làm khởi phát cơn như chỗ ở, môi trường, thức ăn, các loại hình hoạt động... Cần nắm được địa chỉ, số điện thoại nơi cấp cứu gần nhất, đặc biệt là trong trường hợp du lịch ra nước ngoài.

    Một vấn đề khá quan trọng khi đi chơi xa là điều kiện thức ăn sẽ có nhiều thay đổi. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng I, khi đi chơi xa trẻ không nên ăn nhiều những thức ăn mới lạ, chỉ nên ăn những thức ăn đã được tập thử sẵn trước đó để đảm bảo không gây dị ứng, đề phòng cơn suyễn khởi phát đột ngột. Một số thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm sữa, trứng, các loại hạt như đậu phộng, đậu nành, hải sản, lúa mì, rượu đỏ, các thức ăn sinh lưu huỳnh như nước coca...

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Ngày hè, để bé đi chơi xa không bị suyễn

Share This Page