Nhiều năm qua, iPhone phiên bản đắt nhất luôn được săn đón, khan hàng, giá trên thị trường xách tay chênh hàng chục triệu đồng khi mới về Việt Nam. "Kết thúc ngày đầu mở bán iPhone 16 hôm 27/9, cả nhóm ôm nhau hạnh phúc vì kết quả bán hàng vượt mong đợi", người đứng đầu một hệ thống bán lẻ tiết lộ. Ông cho biết doanh thu thực tế giảm nhẹ so với năm ngoái, nhưng cao hơn nhiều so với dự báo đầu tháng 8 khi bắt đầu lên kế hoạch bán iPhone mới. "Trong bối cảnh sức mua toàn thị trường giảm mạnh, tổng doanh thu iPhone 16 trên 1.000 tỷ đồng cho thấy điện thoại Apple luôn là ngoại lệ", ông nhận định. Trong ba năm liên tiếp, doanh thu iPhone ngày đầu luôn vượt nghìn tỷ đồng, cao nhất là 2022 với thế hệ iPhone 14 đạt 1.500 tỷ đồng. "Tháng 9 và 10 được coi là 'Tết' của giới kinh doanh thiết bị di động tại Việt Nam" ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, nhận xét. Hàng trăm người chờ mua iPhone 16 rạng sáng 27/9 tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý Bản đắt nhất được ưa chuộng nhất Thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy trong năm 2023 và đầu 2024, người tiêu dùng Việt giảm mua smartphone cận cao cấp, nhất là mức trên 20 triệu đồng. Phân khúc giá rẻ tầm 5 triệu đồng tăng trưởng trở lại, được cho là vì nền kinh tế còn khó khăn, cũng như nhu cầu đổi từ điện thoại "cục gạch" lên smartphone do quy định tắt sóng 2G. Tuy nhiên, câu chuyện iPhone diễn ra trái ngược. Từ năm 2022, khi iPhone được đẩy mạnh ở phân khúc chính hãng và có số liệu thống kê, phiên bản đắt tiền luôn chiếm tỷ trọng lớn. Số đơn đặt cọc iPhone 16 Pro và 16 Pro Max chiếm 90%, còn bản tiêu chuẩn iPhone 16 và 16 Plus gần như không được quan tâm. Doanh số của hai mẫu cao cấp trong ngày đầu mở bán tại các hệ thống cũng đạt 60-80%. "Thực ra, nếu Apple phân bổ sản phẩm đúng nhu cầu thị trường hơn, như cho phép nhập nhiều iPhone 16 Pro và 16 Pro Max titan sa mạc, tỷ lệ chắc chắn trên 90%", đại diện một đơn vị nhập khẩu nói. Tình trạng này cũng khiến một số hệ thống bán lẻ "việt vị" khi dự đoán nhu cầu khách hàng. iPhone 16 bản tiêu chuẩn năm nay có nhiều nâng cấp lớn, trong khi người dân hạn chế chi tiêu, do đó một số bên tin dòng này sẽ tạo sự thu hút và đạt doanh số cao hơn. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn tiếp tục kén người mua, trái với tình trạng cháy hàng, đội giá của phiên bản Pro Max. Nhân viên một cửa hàng chuẩn bị hàng cho sự kiện mở bán, chủ yếu là iPhone 16 Pro Max. Ảnh: Quang Anh Màu sắc mới lỗi thời theo năm Đầu tháng 10/2023, sau khi mở bán chính thức, iPhone 15 Pro Max màu titan tự nhiên được "săn lùng", cháy hàng trên các hệ thống trong giai đoạn đầu mở bán, thậm chí được rao chênh giá 6 triệu đồng trên thị trường chợ đen. Sang năm nay, titan tự nhiên lại trở thành màu ít được quan tâm nhất trên iPhone 16 Pro và 16 Pro Max. Model này thậm chí được bán với giá thấp hơn mức niêm yết một triệu đồng sau hai ngày mở bán. "Ngôi sao mới" thuộc về màu titan vàng sa mạc. "Nhiều người Việt thích mua iPhone màu mới chứ không ưa chuộng một màu cố định", ông Hoàng Tuấn, chủ một cửa hàng bán đồ Apple hơn 10 năm, nhận định. Xu hướng này diễn ra đều đặn qua các năm khi iPhone 14 Pro Max "hot" nhất màu tím, iPhone 13 Pro Max là xanh dương, còn iPhone 12 Pro Max là vàng. Sẵn sàng chi thêm chục triệu đồng để sở hữu sớm iPhone xách tay Năm 2023 và 2024, Việt Nam nằm trong nhóm thị trường ưu tiên bán sớm, chỉ sau một tuần so với một số thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, hàng xách tay trong ngày đầu vẫn được săn đón. Mẫu iPhone 16 Pro Max đầu tiên về Việt Nam ngày 20/9 được rao giá 79 triệu đồng, cao hơn 30 triệu đồng so với hàng chính hãng bán sau đó 7 ngày. Năm ngoái, những chiếc iPhone 15 Pro Max đầu tiên về Việt Nam cũng có giá gần 70 triệu đồng. "Có cầu, ắt có cung", Lê Hiếu, chủ một cửa hàng điện thoại ở Hà Nội, cho hay. "Nhiều người Việt coi iPhone là món hàng hiệu đắt tiền, nên việc mua chúng làm quà tặng ngay khi ra mắt thỏa lòng cả người mua lẫn người nhận". Một trong những người đầu tiên sở hữu iPhone 16 Pro Max rạng sáng 27/9. Ảnh: Quang Anh Ông Nguyễn Văn Công, chuyên kinh doanh sản phẩm Apple, cho biết người Việt từ lâu đã chuộng iPhone, nhưng doanh số nghìn tỷ đồng những năm gần đây còn phản ánh sự chuyển dịch của thị trường từ hàng xách tay sang chính hãng. "Trước iPhone 6, thị trường đa số là hàng xách tay từ Hong Kong, Singapore, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, độ cuồng iPhone của người Việt không hề kém bây giờ", ông Hoàng Tuấn, chủ một cửa hàng bán đồ Apple ở phố Huế (Hà Nội), nói. Ví dụ, iPhone 4, iPhone 5 được đưa về Việt Nam đều bị đẩy giá lên 25-40 triệu dù giá gốc chỉ 16 triệu đồng. Do chủ yếu là hàng xách tay và không có thống kê chính thức về doanh số, nhiều chủ cửa hàng khẳng định khi đó họ "sống nhờ" iPhone. Theo nguồn tin của VnExpress, tổng số iPhone 16 mà Apple cung cấp trong đợt đầu ở Việt Nam là 121.000 máy, tương đương iPhone 15 năm ngoái. Gần 60% trong số này đã tới tay người dùng những ngày qua. Hiện các hệ thống vẫn khan hàng iPhone 16 Pro và 16 Pro Max vàng sa mạc, dung lượng 128 hoặc 256 GB. Hai model cơ bản iPhone 16 và 16 Plus trong kho vẫn còn nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuấn Hưng Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ