Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong điều kiện bất khả kháng, Bộ Y tế đề xuất có cơ chế điều chuyển thuốc từ bệnh viện có thuốc sang nơi thiếu điều trị cho bệnh nhân. Thông tin được bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết tại Hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tính phía Bắc, ngày 24/9, diễn ra ở Bệnh viện Bạch Mai. Hội nghị là diễn đàn giúp các lãnh đạo Bộ Y tế và giám đốc bệnh viện thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực quản lý bệnh viện. Thiếu thuốc, vật tư y tế có nhiều nguyên nhân, theo bà Trang. Trong đó, có trường hợp khách quan, bất khả kháng như bệnh viện đã mở thầu, đấu thầu nhưng không có đơn vị trúng thầu dẫn đến thiếu thuốc, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng. Hoặc, người bệnh phát sinh tình trạng nặng hơn, thêm bệnh lý mà tại cơ sở y tế đó không có vật tư, thuốc để điều trị. "Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đề xuất có cơ chế cho phép điều chuyển thuốc từ bệnh viện có thuốc sang bệnh viện thiếu để điều trị cho bệnh nhân cần, trong khi không thể chuyển họ sang nơi khác điều trị", bà Trang nói, thêm rằng thuốc này được cơ sở khám chữa bệnh đấu thầu, mua sắm đúng quy định và có giá thanh toán BHYT nên phù hợp đáp ứng các điều kiện trong khám chữa bệnh. Hiện nay chưa có quy định về việc điều chuyển thuốc giữa các cơ sở. Vì vậy, khi xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi, vấn đề điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên cùng địa bàn tỉnh đã được đưa vào. Ví dụ bệnh nhân điều trị ở các tuyến cuối như Bệnh viện Việt Đức hay Bạch Mai, không thể chuyển tuyến đi đâu nữa. Trong khi các cơ sở này thiếu một số loại thuốc thì cần phải điều chuyển thuốc từ các bệnh viện khác về đây điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, trường hợp đứt gãy nguồn cung thuốc, vật tư khiến các bệnh viện đều thiếu chung, không thể chuyển bệnh nhân đi nơi khác thì sẽ cho phép mua lẻ theo từng trường hợp bệnh ở bên ngoài, không phải thực hiện đấu thầu. Trên cơ sở đó, BHXH thanh toán bằng giá đấu thầu. Đề xuất này sẽ tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT khi thiếu thuốc, vật tư y tế. Người bệnh không phải mua ngoài mà cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị. Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) trình bày tại hội nghị. Ảnh: T.Minh Trước đó, Bộ Y tế đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng sẽ được chuyển thẳng cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất. Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt... Dự thảo Luật BHYT sửa đổi cũng đề xuất một số trường hợp dù đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ đâu nhưng nếu khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện cũng hưởng 100% quyền lợi. Đây là điểm khích lệ người bệnh đến với các cơ sở y tế ban đầu. Bà Trang cho biết mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh, đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với luật, quy định khác. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng mạnh qua các năm. Tính đến hết năm 2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress