Kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khi 1/3 số thuốc kháng sinh sử dụng ở nước ta được cho là "không phù hợp". Thông tin được TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết tại lễ ký Bản Thỏa thuận Chương trình hợp tác tăng cường năng lực Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc của các vi sinh vật tại Việt Nam năm 2024-2025 giữa Cục Quản lý khám chữa bệnh và Tổ chức FHI-360, ngày 20/9 tại Bộ Y tế. Tình trạng kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các loại thuốc điều trị. Kết quả là các bệnh nhiễm trùng trở nên khó hoặc không điều trị được, tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, hoặc dẫn đến tàn tật, tử vong. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet vào ngày 18/9, các siêu vi khuẩn kháng thuốc có thể gây ra hơn 39 triệu ca tử vong toàn cầu trong 25 năm tới. Đây là lời cảnh báo về tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng và các hệ lụy nghiêm trọng mà nó có thể mang lại cho sức khỏe cộng đồng. "Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc", ông Đức nói, dẫn chứng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 88-97% các cửa hàng bán thuốc kê kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ mặc dù điều này đã bị cấm theo luật pháp Việt Nam. Tại các bệnh viện, 1/3 số bệnh nhân nội trú đã sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý trong quá trình nhập viện. Kháng sinh cũng chiếm hơn 50% các thuốc dùng cho người và thông thường được bán tại các nhà thuốc cộng đồng. Bên cạnh hậu quả về sức khỏe, WHO dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính. TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phát biểu tại chương trình. Ảnh: Lê Hảo Ông Đức nhận định để ngăn tình trạng kháng thuốc gia tăng, cần có các hành động đa ngành khẩn cấp, phù hợp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này là nền tảng để triển khai các giải pháp, hành động để đạt được mục tiêu giảm tình trạng kháng thuốc. Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều hành động về phòng, chống kháng thuốc như truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về nguyên nhân và hậu quả kháng kháng sinh. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn bác sỹ, dược sỹ về chẩn đoán, điều trị, kê đơn kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm. Thiết lập và củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh... Các chuyên gia khuyến cáo khi người dân có vấn đề sức khỏe, cần đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Chỉ mua và sử dụng kháng sinh theo đơn, theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Dùng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian, không bỏ dở giữa chừng khi thấy sức khỏe khá hơn. Không sử dụng kháng sinh thừa của lần điều trị trước, hoặc thuốc theo đơn của người khác. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress