Thỏ Ngọc-2, robot Trung Quốc đang giữ kỷ lục hoạt động lâu nhất trên Mặt Trăng, gửi về những hình ảnh mới từ phía xa Mặt Trăng hôm 17/9. Robot Thỏ Ngọc-2 gửi về hình ảnh cho thấy các đặc điểm trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: CCTV Plus Thỏ Ngọc-2 phóng lên không gian vào tháng 12/2018 trong nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng Hằng Nga-4. Robot này hạ cánh ở phía xa của Mặt Trăng vào tháng 1/2019. Đến tháng 12/2019, nó trở thành robot tự hành trên Mặt Trăng hoạt động lâu nhất lịch sử. Kỷ lục trước đó thuộc về robot Lunokhod 1 của Liên Xô. Lunokhod 1 hoạt động ở đồng bằng Mare Imbrium từ ngày 17/11/1970 và chính thức dừng hoạt động sau khoảng 10,5 tháng. Robot này đã vượt qua quãng đường 10,5 km trên bề mặt Mặt Trăng và gửi về Trái Đất hơn 20.000 ảnh chụp thường, hơn 200 ảnh panorama. Tính đến nay, Thỏ Ngọc 2 đã hoạt động gần 5 năm 9 tháng, vượt xa tuổi thọ thiết kế ban đầu là 3 tháng và di chuyển được 1.613 m trên bề mặt Mặt Trăng. Robot này vừa hoàn thành ngày làm việc thứ 71 trên Mặt Trăng và gửi những hình ảnh mới về Trái Đất hôm 17/9. Trong thời gian hoạt động, Thỏ Ngọc-2 đã thu thập nhiều thông tin địa chất giá trị, bao gồm dữ liệu về hình thái bề mặt, cấu trúc nông và thành phần vật chất tại khu vực hạ cánh. Nó cũng đóng góp dữ liệu khoa học quan trọng liên quan đến sự tiến hóa địa chất và sự phát triển ban đầu của lớp vỏ Mặt Trăng. Dấu vết di chuyển trên Mặt Trăng do robot Thỏ Ngọc-2 chụp. Ảnh: CCTV Plus Ngoài robot Thỏ Ngọc-2, hai tàu đổ bộ Hằng Nga-3 và Hằng Nga-4 cũng vẫn đang hoạt động trên Mặt Trăng. Các vệ tinh chuyển tiếp liên lạc, Thước Kiều và Thước Kiều-2, cũng vẫn hoạt động trên quỹ đạo Mặt Trăng, theo Zuo Wei, nhà thiết kế phó của hệ thống ứng dụng mặt đất cho nhiệm vụ Hằng Nga-4. Thước Kiều đã thúc đẩy liên lạc giữa tàu Hằng Nga-4 và Thỏ Ngọc-2. Trong khi đó, Thước Kiều-2 đã hoàn thành công việc với Hằng Nga-6, đang nghiên cứu khoa học và chờ đợi Hằng Nga-7. Nhiệm vụ Hằng Nga-7, dự kiến triển khai vào khoảng năm 2026, đang tiến triển thuận lợi, theo Wu Weiren, nhà thiết kế trưởng chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc. Mục tiêu chính của nhiệm vụ này là tìm kiếm bằng chứng về băng nước tại cực nam Mặt Trăng. Nếu thành công, Hằng Nga-7 sẽ trở thành nhiệm vụ đầu tiên trên thế giới đáp xuống cực nam Mặt Trăng, tạo điều kiện cho sự hiện diện lâu dài của con người trên thiên thể này. Wu cho biết, điều này cũng mở đường cho việc thám hiểm không gian sâu trong tương lai, bao gồm cả sao Hỏa. Thu Thảo (Theo ECNS) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress