Thế kỷ 16, kỹ sư Italy chỉnh sửa hai chiếc thuyền thành vũ khí mang tên hellburner, hay lò đốt địa ngục, với sức phá hủy chưa từng thấy. Minh họa cầu bắc qua sông Scheldt được xây làm rào chắn trong cuộc bao vây Antwerp. Ảnh: Amusing Planet Trong thời đại của những chiếc thuyền buồm gỗ, lửa là kẻ thù số một của các thủy thủ. Thời chiến, lửa cũng được sử dụng triệt để nhằm đánh chìm tàu địch. Một chiến lược đáng gờm mà người Hy Lạp cổ đại khởi xướng là đốt cháy một chiếc thuyền chất đầy vật liệu dễ cháy như hắc ín, nhựa thông, rồi đẩy nó về phía địch. Những chiếc thuyền lửa này có thể gây ra sự hỗn loạn kinh hoàng cho đối phương với tốc độ đáng sợ. Vào thế kỷ 7, người Hy Lạp phát hiện rằng trộn naptha với vôi sống sẽ tạo ra hỗn hợp cháy mạnh đến mức tự bốc cháy khi tiếp xúc với nước. Đây là vũ khí cháy đầu tiên trên thế giới. Tiến bộ trong ngành đóng tàu và việc phát minh ra thuốc súng đã làm tăng sức mạnh của loại vũ khí này. Thuyền lửa giờ không chỉ là công cụ để đốt đội tàu hay bến cảng của địch, mà còn là những quả bom nổi được thiết kế để phá hủy càng nhiều tàu thuyền càng tốt với những vụ nổ đầy sức mạnh. Mùa đông năm 1585, thành phố Antwerp bị quân đội của Alexander Farnese bao vây. Farnese, chỉ huy lực lượng Habsburg ở khu vực Hà Lan bị Tây Ban Nha cai trị, đã cho xây cầu bắc qua sông Scheldt giữa Antwerp và biển, cắt đứt tuyến đường thủy của thành phố. Mục đích là khiến dân cư trong thành phố chết đói. Để thoát khỏi trở ngại này, người Hà Lan thuê Federigo Giambelli, kỹ sư quân sự người Italy nổi tiếng với khiến thức về nhiều lĩnh vực khoa học. Giambelli hứa sẽ phá hủy cây cầu và yêu cầu 3 thuyền buôn lớn từ đội tàu của thành phố. Yêu cầu của Giambelli bị từ chối và ông chỉ được nhận hai chiếc thuyền nhỏ hơn, Fortuyn và Hoop. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm thể hiện khả năng của mình kể cả với nguồn lực hạn chế. Giambelli biến hai chiếc thuyền thành những quả bom lớn nhất châu Âu vào thời điểm đó và gọi chúng là hellburner (lò đốt địa ngục). Bên trong khoang tàu, Giambelli xây một "buồng cháy" dài 12 m, rộng 5 m với gạch và vữa, tường dày 1,5 m. Ông nhồi vào căn buồng 3 tấn thuốc súng chất lượng cao rồi đậy bằng mái làm từ những tấm bia mộ cũ bịt chì. Ở trên buồng cháy và khoảng trống xung quanh, ông nhồi thêm đá, mảnh sắt và các vật khác để làm mảnh bom. Toàn bộ được che đậy bằng sàn gỗ truyền thống để tạo vẻ ngoài giống như một chiếc thuyền bình thường. Thuyền Fortuyn trang bị ngòi nổ chậm - một đoạn dây cháy chậm và ổn định để bom nổ sau một khoảng thời gian định sẵn. Trong khi đó, ngòi nổ trên thuyền Hoop là "kỳ quan kỹ thuật". Giambelli nhờ một thợ đồng hồ ở Antwerp làm bộ hẹn giờ cơ học kết hợp với cơ chế đánh lửa bằng đá lửa để kích nổ thuốc súng đúng thời gian định sẵn. Đây là quả bom hẹn giờ đầu tiên trong lịch sử. Minh họa thuyền hellburner phát nổ ở Antwerp năm 1585. Ảnh: Amusing Planet Giambelli lên kế hoạch thả khoảng 30 thuyền lửa xuôi dòng sông theo từng đợt liền nhau để thu hút sự chú ý của quân Tây Ban Nha cho đến khi Fortuyn và Hoop có thể đâm vào cầu. Nhưng đêm ngày 4/4/1585, chỉ huy phụ trách chiến dịch đã sai lầm khi thả tất cả thuyền lửa cùng lúc, theo sau là hai thuyền hellburner. Fortuyn mắc cạn bên bờ sông trước khi đến cầu. Bom cũng nổ yếu và chỉ gây thiệt hại nhỏ cho quân Tây Ban Nha. Trong khi đó, Hoop lao thẳng về phía cầu và đâm mạnh. Khi bộ hẹn giờ hết thời gian, một vụ nổ kinh hoàng lập tức phá hủy con thuyền và lấy mạng 800 lính Tây Ban Nha. Một đoạn lớn của cây cầu cũng biến mất. Sau đó, hàng triệu mảnh đá bia mộ và sắt mà Giambelli nhồi vào khoang tàu trút xuống từ trên trời. Những ngôi nhà cách xa hàng km đổ sập và tiếng nổ đánh thức người dân ở cách xa 35 km. Dù cuộc tấn công có sức mạnh khủng khiếp, người Hà Lan không thể tận dụng thời cơ và để cho quân Tây Ban Nha khôi phục lại rào chắn gỗ. Antwerp đã phải đầu hàng chỉ 4 tháng sau đó. Nhà sử học quân sự Robert L. O'Connell gọi hellburner là vũ khí hủy diệt hàng loạt đầu tiên trong lịch sử. Đây cũng là vụ nổ nhân tạo được thiết lập trước lớn nhất thế giới tính đến thời điểm đó. Thu Thảo (Theo Amusing Planet) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress