Bệ pin mặt trời nổi chịu được sóng cao 8 m

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Sep 11, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 77)

    Nguyên mẫu kích thước thật đầu tiên của bệ pin mặt trời XolarSurf với công suất 35 - 45 kW được đưa xuống vùng biển Na Uy để thử nghiệm.

    [​IMG]

    Nguyên mẫu bệ pin mặt trời nổi XolarSurf. Ảnh: Saipem


    Sau nhiều năm phát triển, công ty Italy Saipem cùng các đối tác đã trình làng XolarSurf, nguyên mẫu kích thước đầy đủ của công nghệ điện mặt trời nổi module tiên tiến, Interesting Engineering hôm 10/9 đưa tin. Là một cột mốc quan trọng với các sáng kiến năng lượng ngoài khơi, XolarSurf vừa được đưa vào thử nghiệm thực tế ở vùng biển gần đảo Froya, Na Uy.

    Bệ pin mặt trời XolarSurf nổi được thiết kế đặc biệt để sản xuất điện ngoài đại dương. Cấu trúc này không chỉ chịu được sóng cao tới 8 m mà thiết kế dạng module cũng mang đến tính linh hoạt, giúp dễ dàng di dời, vận chuyển và tái sử dụng. Mỗi bệ gồm nhiều phao nổi, cung cấp không gian an toàn cho các tấm pin, và có công suất tối đa khoảng 35 - 45 kW.

    Để lắp đặt XolarSurf, một loạt mỏ neo và dây neo sẽ được gắn vào đáy biển hoặc bờ. Sau đó, bệ pin mặt trời nổi được lắp ráp trên thuyền và kéo đến vị trí neo để cố định tại chỗ. Các chuyên gia sẽ theo dõi hiệu quả của bệ nổi trong năm tới vì đây là nguyên mẫu hoạt động đầu tiên.

    "XolarSurf đại diện cho một cột mốc mới trong phân khúc năng lượng mặt trời nổi, có thể lắp đặt ở bất cứ địa điểm ven biển hoặc ngoài khơi nào, kể cả trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Nó cung cấp giải pháp tối ưu cho những dự án hỗn hợp, ví dụ như trang trại gió ngoài khơi, cả loại cố định và loại nổi", Saipem cho biết.

    XolarSurf hướng đến mục tiêu cung cấp cho ngành nuôi trồng thủy sản nguồn điện cần thiết và khả năng phát điện xa bờ. Sau quá trình công nghiệp hóa để giảm chi phí sản xuất, XolarSurf có thể được sản xuất hàng loạt, giúp công nghệ điện mặt trời trở nên dễ ứng dụng. Những hệ thống nhân giống, nuôi và thu hoạch cá ở xa đất liền sẽ hưởng lợi từ công nghệ này. Nhu cầu điện năng của những hệ thống như vậy dao động từ 4 - 715 MWh mỗi năm, tùy theo vị trí, quy mô và mục đích hoạt động.

    Công nghệ điện mặt trời nổi giúp loại bỏ việc sử dụng đất và thường ít cần bảo trì, do đó, nhu cầu về công nghệ này đang tăng lên. Các hệ thống pin mặt trời nổi cũng góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng, mở ra tương lai sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí.

    Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Bệ pin mặt trời nổi chịu được sóng cao 8 m

Share This Page