Khoảng 125.000 trẻ 1-10 tuổi cần được tiêm vaccine ngừa sởi lần này trong chiến dịch tiêm chủng để tăng miễn dịch cộng đồng chống dịch sởi lan tại TP HCM. Ngày 10/9, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết ước tính gần 61.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi ở thành phố chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi, căn cứ vào số liệu được quản lý trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Còn trẻ từ 6 đến 10 tuổi, có hơn 633.000 cháu đi học từ lớp 1 đến lớp 5, theo số liệu năm học trước của Sở Giáo dục và Đào tạo. Ước tính trẻ chưa được tiêm đủ mũi chiếm 10%, số phải tiêm trong chiến dịch dự kiến là khoảng hơn 63.300. Như vậy, số trẻ 1 đến 10 tuổi cần tiêm sởi lần này gần 125.000. 10 ngày qua, hơn 19.800 trẻ 1-5 tuổi đã được chủng ngừa vaccine sởi, đạt gần 33% trẻ thuộc diện phải tiêm. Theo ông Thượng, ban đầu TP HCM lên phương án tiêm bổ sung vaccine cho tất cả trẻ, không kể tiền sử tiêm chủng trước đó. Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (năm 2022), khi dịch sởi bùng phát lan rộng thì nên chọn phương án tiêm bổ sung vaccine tất cả trẻ. Giai đoạn đầu ưu tiên tập trung tiêm tất cả trẻ sinh sống tại những quận huyện có số ca mắc sởi cao như Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, TP Thủ Đức... với dự kiến khoảng 263.640 trẻ. Tuy nhiên, giám sát tình hình trẻ mắc sởi từ khi công bố dịch sởi hôm 27/8 với số ca mắc mới trung bình mỗi ngày khoảng 20 và hầu hết chưa tiêm đủ mũi vaccine, TP HCM điều chỉnh sang phương án tiêm cho những trẻ chưa được tiêm đủ hai mũi. Điều này đặt ra yêu cầu phải phối hợp nhiều đơn vị rà soát thực tế, lập danh sách trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi, không phân biệt thường trú, tạm trú và vận động đưa trẻ đi tiêm trong thời gian ngắn nhất để sớm tái lập miễn dịch trong cộng đồng góp phần chấm dứt dịch sởi. Thành phố mua 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) từ nguồn ngân sách, khởi động chiến dịch tiêm chủng từ ngày 31/8. Đến nay, nhiều quận huyện đã rà soát, tiêm chủng đạt tỷ lệ cao. Đơn cử, huyện Bình Chánh đã đạt tiến độ tiêm trên 80% với nhóm trẻ 1-5 tuổi. Các quận như Phú Nhuận, 5, 3, 7, 10, Nhà Bè, Bình Tân, quận 6 đã rà soát được trẻ thực tế cao hơn so với số được quản lý trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, TP Thủ Đức, ngày 9/9. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM Người đứng đầu ngành y tế TP HCM cho biết trong 3 tuần còn lại của tháng 9, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo gần 70% số trẻ 1-5 tuổi còn lại và nhóm 6-10 tuổi được tiếp cận vaccine càng sớm càng tốt và an toàn. Riêng nhóm 6-10 tuổi phải được triển khai đồng loạt trong tuần cuối tháng. Các địa phương tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Ngành y tế triển khai nhiều điểm tiêm tại trường học, trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tư nhân... Trong đó, trẻ đi học, đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở... được tiêm lưu động tại chỗ. Trẻ không đi học và trẻ chưa được tiêm tại trường học thì đến trạm y tế. Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, nhân viên y tế tiêm tại bệnh viện nơi điều trị, công tác. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress