Phát bệnh vì chứng sợ âm thanh

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Sep 10, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 58)

    [​IMG]

    Hà NộiMột tháng sau sinh, Thương 29 tuổi, luôn bị ám ảnh tiếng khóc của con đến mức rối loạn lo âu, nhiều lúc muốn bịt miệng con để ngăn tiếng ồn.


    Thương, ở Hoàng Mai, luôn bị dị ứng, khó chịu, nổi da gà, dễ cáu gắt khi nghe tiếng động nhỏ, như tiếng nhai chóp chép, tiếng kim loại cọ xát, tiếng nhai kẹo... Sau sinh, các triệu chứng ngày càng nặng lên. Thương thấy bản thân nhạy cảm hơn với âm thanh, đặc biệt là tiếng khóc của con. Nhiều lần đang ngủ, cô giật mình tỉnh giấc vì ngủ mơ con khóc, toàn thân đổ mồ hôi.

    "Trong đầu luôn văng vẳng tiếng la khóc đến mức đầu muốn nổ tung", cô nói.

    Mỗi ngày, Thương chỉ ngủ 3-4 tiếng nên càng bị đuối sức, lại không được chồng chia sẻ. Anh cho rằng vợ "làm quá". Từ người hoạt bát, Thương trở nên nhạy cảm hơn, mất ngủ, rối loạn lo âu. Người phụ nữ còn thường xuyên nghe thấy âm thanh như dao thìa va chạm vào nhau trong đầu khiến toàn thân ớn lạnh.

    Thương đến Bệnh viện Đại học Y kiểm tra, được chẩn đoán mắc chứng Misophonia (chứng ghét âm thanh hay dị ứng tiếng ồn). Ngoài ra, cô bị trầm cảm nặng, sang chấn tâm lý, phải điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý. Trường hợp này phải điều trị lâu dài và cần sự quan tâm, đồng hành nhiều hơn từ gia đình.

    Cũng nổi da gà khi nghe âm thanh như móng tay cào vào bảng, tiếng gõ bàn phím... khiến Nam, 29 tuổi, ngại ra ngoài, tiếp xúc đông người. Anh cho biết, những âm thanh rất bình thường, âm lượng vừa phải nhưng vẫn gây lo lắng, hoảng loạn, tim đập nhanh, khó thở. Do đó, người đàn ông luôn đeo tai nghe để không phải đột ngột nghe âm thanh lạ.

    "Sự hoảng hốt đến lo sợ khác hoàn toàn cảm giác giật mình khi nghe âm thanh lớn", Nam nói.

    Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết Misophonia ước tính xuất hiện ở khoảng 15%-20% dân số. Bệnh không gây đe dọa tính mạng, nhưng có thể dẫn đến cảm xúc tiêu cực, giảm chất lượng cuộc sống, cũng như ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.

    Hội chứng Misophonia là một dạng rối loạn thần kinh trung ương, khiến cơ thể phản ứng bất thường với những âm thanh bình thường. Theo Cleveland Clinic, những người mắc chứng Misophonia thường cảm thấy nóng giận đến không kiểm soát, lo lắng hoặc ghê tởm khi nghe được một số âm thanh nhất định, chẳng hạn tiếng thở, tiếng nhai chóp chép, vòi nước nhỏ giọt, tiếng bấm bút, tiếng tích tắc của đồng hồ, tiếng kim loại va chạm... Misophonia ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, chiếm 55% đến 83%. Bệnh phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là thiếu niên.

    Triệu chứng thường gặp như tăng huyết áp, đổ mồ hôi, ớn lạnh, tim đập nhanh, lo lắng, sợ hãi...Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác, liên quan đến trầm cảm, ám ảnh với ký ức xấu, trải nghiệm không tốt hoặc biến cố trong quá khứ.

    Theo bác sĩ, triệu chứng này không quá nguy hiểm, nhưng cần được điều trị tâm lý kết hợp thuốc cho ổn định. Khi mắc chứng này, người mắc có biểu hiện hoảng sợ, sống thu mình, ngại đến nơi đông người, tách mình ra khỏi cộng đồng. Nhóm người ngày thường mang ám ảnh sợ hãi, "dù biết là vô lý nhưng không thể xua đi nỗi lo".

    Do đó, người bệnh cần đi khám kiểm tra xem có bị rối loạn lo âu hay trầm cảm hay bị bệnh tâm lý khác. "Có thể giai đoạn mệt mỏi, suy kiệt dễ có dấu hiệu lo lắng hơn bình thường", bác sĩ nói.

    Theo webMD, Misophonia có một số điểm tương đồng và liên kết với các tình trạng tâm lý khác, chẳng hạn rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn sang chấn tâm lý (PTSD). Người bệnh có thể được điều trị bằng các hình thức sẵn có cho hai hội chứng trên.

    Các triệu chứng của Misophonia giống với phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" (một dạng phản ứng tự vệ) của con người trước tình huống nguy hiểm. Để giảm tình trạng khó chịu, bạn có thể đeo nút bịt tai và nghe những âm thanh mình thích. Khi phải đến những nơi công cộng, bạn có thể chọn ngồi ở những chỗ ít ồn ào. Tránh xa những nơi xuất hiện những âm thanh khó chịu.

    Bạn nên chia sẻ vấn đề gặp khó chịu với âm thanh của mình với người thân. Chăm sóc bản thân bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn có thể đến gặp bác sĩ hay các nhà trị liệu để được tư vấn, hỗ trợ để cải thiện tình trạng này.

    Thùy An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Phát bệnh vì chứng sợ âm thanh

Share This Page