Máy bay vũ trụ tái sử dụng Thần Long hạ cánh trên sa mạc Gobi nhiều tháng sau khi Mỹ phát hiện phương tiện phóng một vật thể lạ vào quỹ đạo. Mô phỏng máy bay vũ trụ Thần Long trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: Erik Simonsen Mẫu máy bay vũ trụ tái sử dụng của Trung Quốc hoàn thành thử nghiệm thứ 3 trên quỹ đạo, hạ cánh ở địa điểm chỉ định trên sa mạc Gobi hôm 6/9 sau 268 ngày trong không gian. Thần Long phóng trên tên lửa Trường Chinh 2F vào ngày 14/12 năm ngoái tiếp đất thành công ở Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền. Lần phóng mới nhất nhằm kiểm định công nghệ tái sử dụng và tiến hành thí nghiệm khoa học vũ trụ, chứng minh công nghệ máy tàu vũ trụ tái sử dụng của Trung Quốc đang hoàn thiện, theo Space. Chuyến bay trước đó của Thần Long kéo dài 276 ngày trước khi quay trở lại Trái Đất vào tháng 5 năm ngoái. Đây là một đột phá trong nghiên cứu công nghệ tàu vũ trụ tái sử dụng của Trung Quốc. Nhà chức trách nước này vẫn giữ kín phần lớn thông tin về máy bay vũ trụ từ chuyến bay thử đầu tiên lên quỹ đạo năm 2020 và không tiết lộ đặc điểm kỹ thuật bao gồm kích thước hoặc trọng lượng. Trong khi chi tiết về mục đích và hàng hóa của nhiệm vụ thứ ba được giữ bí mật, Thần Long nâng quỹ đạo hồi tháng 1/2024 từ 300 km lên 600 km phía trên Trái Đất. Thần Long được xem như bản sao máy bay vũ trụ X-37B của quân đội Mỹ, phóng trong nhiệm vụ thứ 7 hồi tháng 12/2024, chỉ hai tuần sau máy bay vũ trụ Trung Quốc. Dù chi tiết về máy bay vũ trụ Mỹ phóng theo chương trình National Security Space Launch cũng rất hiếm, phương tiện do Boeing chế tạo có thể tiến hành thí nghiệm và triển khai nhiều khối hàng khác nhau trong những chuyến bay dài ngày. X-37B vẫn giữ kỷ lục tàu vũ trụ tái sử dụng ở lâu nhất trên quỹ đạo với 908 ngày trong không gian vào nhiệm vụ thứ 6. Phương tiện vẫn ở trên quỹ đạo quanh Trái Đất sau lần phóng gần nhất. Các nhà quan sát nhận thấy Thần Long có hình dáng tương tự X-37B, dài khoảng 10 m và nặng 5 - 8 tấn. Tháng 5/2024, Lực lượng Không gian Mỹ phát hiện một vật thể phóng ra từ Thần Long ở độ cao 600 km. Những nhà theo dõi hoạt động vũ trụ cho biết máy bay này đã giải phóng nhiều vật thể từ khi phóng, có thể là vệ tinh hoặc mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh. Máy bay vũ trụ tái sử dụng có thể trở thành giải pháp thuận tiện và chi phí rẻ để liên lạc với Trái Đất trong tương lai. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại máy bay vũ trụ có thể phóng vệ tinh siêu nhỏ dùng cho hoạt động quân sự. An Khang (Theo Space) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress