Khi sét đánh xuống hồ nước, dòng điện thường chỉ tác động đến những sinh vật gần bề mặt, nhiệt độ cực cao của sét cũng được nước phân tán. Sét đánh xuống hồ sẽ không làm chết toàn bộ sinh vật dưới nước. Ảnh: Sky light1000/Milju varghese Câu cá là một trong những hoạt động phổ biến nhất mà những người bị sét đánh đang thực hiện khi gặp nạn. Vậy sét ảnh hưởng thế nào đến cá sống trong hồ? Trái với những gì xảy ra trong phim hoạt hình, khi sét đánh xuống hồ, toàn bộ sinh vật sống trong đó sẽ không lập tức nổi lên mặt nước và nằm ngửa bụng. Nguyên nhân là khi sét đánh vào một khối nước, dòng điện sẽ di chuyển trên bề mặt thay vì xuyên sâu xuống chất lỏng. Hiệu ứng tương tự cũng xảy ra khi sét đánh vào một chiếc ôtô hoặc vật dẫn điện khác: Dòng điện chạy trên bề mặt thay vì xuyên xuống vị trí đánh. Đây được gọi là hiệu ứng bề mặt và là nguyên tắc phía sau lồng Faraday - cấu trúc kín giúp bảo vệ phần bên trong khỏi dòng điện. Hiệu ứng này cũng xuất hiện khi con người bị sét đánh, gọi là flashover, có thể để lại những hình Lichtenberg - vết bỏng bề mặt phức tạp trên da. Khi sét đánh vào hồ hoặc biển, dòng điện thường chỉ tác động đến những sinh vật sống gần bề mặt tại thời điểm đó. Tuy nhiên, các chuyên gia không rõ độ sâu chính xác mà mỗi tia sét sẽ xuyên xuống. Do đó, con người không nên trông cậy vào khả năng lặn để đi bơi trong thời tiết giông bão. Nước cũng phân tán nhiệt rất tốt. Vì vậy, dù một tia sét có thể đạt mức 27.760 độ C, gần gấp 5 lần bề mặt Mặt Trời, khi đánh xuống nước lạnh, nhiệt độ đó cũng nhanh chóng phân tán và làm dịu tác động của sét. Điều này đồng nghĩa, nước sẽ không sôi khi bị sét đánh. Con người sẽ không an toàn như cá khi bơi trong giông bão vì thường xuyên nổi lên mặt nước. Dòng điện từ một cú sét đánh vào mặt nước có thể di chuyển 10 - 100 m hoặc hơn, tùy theo cường độ sét. Vì vậy, người bơi không nhất thiết phải ở ngay cạnh đó mới hứng chịu tổn thương từ năng lượng có thể lên tới 10 triệu volt của sét. Một cách phổ biến giúp xác định tính an toàn khi ở dưới nước trong giông bão là quy tắc 30/30. Theo đó, khi một người nhìn thấy tia sét rồi tiếp tục nghe thấy tiếng sấm đi kèm trong vòng 30 giây thì cơn giông đủ gần để gây nguy cơ. Tiếng sấm và tia sét càng sát nhau, cơn giông càng ở gần. Giới chuyên gia cũng khuyến nghị mọi người nên chờ 30 phút sau khi thấy tia sét cuối cùng rồi mới lại xuống nước. Âm thanh di chuyển với tốc độ khoảng 343 mét mỗi giây, trong khi ánh sáng di chuyển với tốc độ lên tới 300.000 km mỗi giây. Nếu đếm số giây giữa tia sét và tiếng sấm, sau đó chia cho ba, một người sẽ tính được khoảng cách của cơn giông với vị trí của mình theo km. Nhưng phương pháp tốt nhất để giữ an toàn trong nước mà không cần tính toán là không đi bơi khi giông bão. Thu Thảo (Theo IFL Science) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress