Sự kiện thiên văn hiếm gặp diễn ra ngày 28/8 khi Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương xếp thẳng hàng trên bầu trời. Những người yêu thiên văn ở hầu hết mọi nơi trên thế giới có thể quan sát hiện tượng 6 hành tinh tập trung gần nhau về một phía của Mặt Trời cùng lúc, theo Star Walk. Để xác định vị trí các hành tinh và nâng cao trải nghiệm quan sát, con người có thể sử dụng ứng dụng Sky Tonight. Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương và Sao Thổ gần như thẳng hàng vào ngày 28/8 nhìn từ Bắc bán cầu. Ảnh: Sky Tonight Vào sáng sớm, khi nhìn từ Trái Đất, Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương và Sao Thổ gần như xếp thẳng hàng trên bầu trời. Trong đó Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ có thể quan sát bằng mắt thường. Sao Thủy sẽ ở gần đường chân trời hơn và khó phát hiện hơn. Để nhìn thấy Sao Hải Vương, Sao Thiên Vương, người quan sát sẽ cần một chiếc kính thiên văn hoặc ống nhòm công suất lớn. Hiện tượng các hành tinh xếp thẳng hàng lần này không chỉ xuất hiện trong một ngày mà có thể kéo dài tới sau ngày 28/8. Vì vậy, nếu bỏ lỡ, người yêu thiên văn có thể quan sát thêm sau ngày này. "Khái niệm hành tinh thẳng hàng thiên về những gì quan sát được từ góc nhìn của con người trên Trái Đất thay vì sự thẳng hàng vật lý thực sự trong không gian", Nikhita Madhanpall, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Wits, Nam Phi, cho biết trên Live Science. Sự giao hội hành tinh xảy ra khi có hai hành tinh trở lên xuất hiện gần nhau khi nhìn từ Trái Đất. Cần lưu ý rằng những hành tinh này không thực sự ở gần nhau. Kể cả khi chúng trông thẳng hàng với con người trên Trái Đất, chúng vẫn cách nhau cực xa ngoài vũ trụ. Madhanpall lưu ý, sự thẳng hàng của các hành tinh gần như không có tác động vật lý đáng kể nào lên Trái Đất. Wayne Barkhouse, nhà vật lý thiên văn tại Đại học North Dakota, nói: "Tác động duy nhất đến cuộc sống trên Trái Đất khi các hành tinh thẳng hàng là màn trình diễn tuyệt vời trên bầu trời. Không có nguy cơ xảy ra động đất tăng cường hay bất cứ điều gì tương tự. Sự thay đổi lực hấp dẫn mà Trái Đất trải qua trong bất cứ sự kiện hành tinh thẳng hàng nào là không đáng kể". Minh Thư (Tổng hợp) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress