Lý do chủng đậu mùa khỉ mới lây lan nhiều ở trẻ em

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Aug 27, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 68)

    Theo các chuyên gia, chủng đậu mùa khỉ mới lây lan chủ yếu ở trẻ em do đây là nhóm thường xuyên tiếp xúc gần với nhau.


    Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa đợt bùng phát đậu mùa khỉ năm nay tại châu Phi và làn sóng dịch 2022 ở châu Âu là cách virus lây lan. Hơn hai năm trước, căn bệnh hầu như chỉ giới hạn trong những người quan hệ tình dục. Giờ đây, bệnh nhân chủ yếu là trẻ em, chiếm hơn 70% số ca mắc. Các nhà khoa học cho rằng biến chủng mới (Clade 1b) đã có sự thay đổi về cách thức lây truyền.

    Thực tế, nhiều mầm bệnh có tỷ lệ lây truyền cao ở trẻ em, bởi đây là nhóm bệnh nhân có nhiều tiếp xúc vật lý. Các em vui chơi, nói chuyện và va chạm nhau nhiều hơn, đặc biệt trong mùa hè. Đây là đường truyền được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận. Tiếp xúc càng lâu, khả năng mắc bệnh càng lớn.

    Dù vậy, "Đậu mùa khỉ không phải đại dịch Covid-19 mới", Hans Kluge, tổng giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho biết hôm 20/8. Lý do là hình thức lây truyền của đậu mùa khỉ rất khác so với lây truyền trong khí dung của nCoV, nên diễn biến của bệnh chậm hơn.

    Rafael Toledo, giáo sư về ký sinh trùng miễn dịch tại Đại học Valencia, cho biết Covid-19 và đậu mùa khỉ có nhiều điểm khác biệt, dễ thấy nhất là ở kích thước. Virus đậu mùa khỉ lớn gấp đôi so với nCoV, khiến nó không thể đột biến đến mức lưu lại trong không khí lâu dài.

    [​IMG]

    Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Munigi, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 18/8. Ảnh: Reuters


    Theo giáo sư Toledo, nếu đậu mùa khỉ lây truyền qua không khí hoặc khí dung, độ tuổi mắc bệnh sẽ trải rộng hơn. Ông cho biết đậu mùa khỉ giống với "những con chấy".

    "Chúng nhảy từ người này sang người khác vì có tiếp xúc gần gũi. Thường trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì các em hay tiếp xúc với nhau", ông nói.

    Giáo sư Toledo nhận định virus về bản chất không thay đổi. Ông cho rằng rất khó để đánh giá virus hoạt động ra sao nếu lưu hành ở châu Âu trong năm 2024. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu ÂU (ECDC) cho rằng rủi ro ở lục địa này thấp. Giáo sư Toledo đồng ý với điều này.

    Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ xung quanh chủng đậu mùa khỉ mới, rằng nó có lây truyền tốt hơn, nguy hiểm hơn, gây triệu chứng nặng hơn hay không. ECDC cũng cảnh báo về những ẩn số đối với biến chủng này.

    "Dù trong quá khứ, các báo cáo cho thấy tỷ lệ mắc và tử vong của Clade 1b cao hơn so với Clade 2b, dữ liệu sơ bộ hiện tại từ châu Phi không cho thấy mức độ nghiêm trọng về lâm sàng vượt bậc", cơ quan nêu rõ.

    Năm 2022, WHO lần đầu tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC). Đợt bùng phát do biến chủng Clade 2b lây lan, chủ yếu qua đường tình dục.

    Trong làn sóng dịch hiện nay, virus lây lan thuộc chủng Clade 1b nguy hiểm hơn, tỷ lệ tử vong là 3%, cao hơn nhiều so với 0,2% vào năm 2022. Trong tháng 8, bệnh đã lan sang một số nước châu Á như Thái Lan và Philippines. Hiện nước ta chưa ghi nhận chủng đậu mùa khỉ mới.

    Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022. Bộ Y tế phát hiện hơn 68 ca đậu mùa khỉ, 6 người tử vong, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV. Từ đó đến nay các địa phương vẫn rải rác ghi nhận người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

    Thục Linh (Theo El Pais)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Lý do chủng đậu mùa khỉ mới lây lan nhiều ở trẻ em

Share This Page