Hơn 11 năm sau khi sáng lập Telegram, tỷ phú Pavel Durov bị bắt khi gần chạm giấc mơ một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên nền tảng. Pavel Durov, 39 tuổi, là doanh nhân gốc Nga, sinh ra ở Leningrad và hiện có các quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Ông sáng lập Telegram năm 2013 và nhấn mạnh nền tảng này đề cao quyền riêng tư và chống lại sự kiểm duyệt của chính phủ. Tỷ phú sinh năm 1984 cho biết nảy ra ý tưởng về ứng dụng nhắn tin được mã hóa như một cách để liên lạc khi đang phải chịu áp lực ở Nga. Anh trai của ông, Nikolai, là người thiết kế hệ thống mã hóa. Công ty ban đầu được cho là có 15 người tham gia phát triển. Nhà sáng lập kiêm CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: Reuters Năm 2014, Durov rời Nga sau khi từ chối yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng do ông sáng lập trước đó là VKontakte. Ông sau này khẳng định việc rời Nga vì không thể nhận lệnh từ bất kỳ chính phủ nào, đồng thời bác nghi vấn Telegram bị Nga kiểm soát, gọi đó là tin đồn nhảm do đối thủ cạnh tranh lan truyền. Năm 2017, nhà sáng lập Telegram chuyển đến Dubai sinh sống và trở thành công dân Pháp vào năm 2021. Để tránh sự kiểm duyệt từ phương Tây, Durov đặt trụ sở và máy chủ của Telegram tại Dubai. Ông nói lý do chọn thành phố ở UAE là vì đây là nơi tốt nhất cho một "nền tảng trung lập". Những năm gần đây, Telegram liên tục nâng cấp và sử dụng mạng lưới máy chủ phân tán để lưu trữ dữ liệu người dùng. Điều này giúp Telegram chống chọi tốt hơn trước các cuộc tấn công mạng, đảm bảo tính sẵn sàng của dịch vụ. Số lượng trung tâm dữ liệu của Telegram có thể thay đổi theo thời gian dựa theo người dùng và chiến lược của công ty. Từ năm 2014 đến 2021, Telegram đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các nước vì nhiều nhóm sử dụng nền tảng để tổ chức biểu tình cũng như chia sẻ nội dung cực đoan. Durov tiếp tục từ chối kiểm duyệt và xây dựng hình ảnh như một người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự do ngôn luận. Năm 2022, khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine, Telegram trở thành công cụ chính để cả Nga và Ukraine đăng tải nội dung về cuộc xung đột và tình hình chính trị liên quan. Đây cũng được coi là "chiến trường ảo" khốc liệt khi đôi bên sử dụng làm công cụ tuyên truyền cũng như xuất hiện nhiều thông tin khó xác thực. Trong khoảng 2022-2023, áp lực lên Telegram ngày càng tăng khi các chính phủ mạnh tay hơn, yêu cầu kiểm duyệt chặt chẽ để chống lại nội dung bất hợp pháp. Nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn xảy ra ở nhiều nước cũng được cho là xuất phát từ những nhóm ngầm trên nền tảng này. Tháng 4/2024, trả lời nhà báo Mỹ Tucker Carlson, CEO Telegram nói nền tảng đang lan rộng như "cháy rừng" và tự tin sẽ đạt mốc một tỷ người dùng hoạt động trong năm 2025. Tuy nhiên, ông khi đó cũng tiết lộ điều đáng báo động là đang nhận được quá nhiều sự chú ý từ cơ quan an ninh Mỹ, gồm cả Cục điều tra liên bang (FBI). Durov cũng tố cáo Mỹ đã cố thuê một trong các kỹ sư đang làm tại Telegram để tìm "cửa hậu" truy cập nền tảng. FBI sau đó không trả lời khi được Reuters đề nghị bình luận về phát ngôn này. Khoảng 20h ngày 24/8, kênh truyền hình TF1 dẫn nguồn giấu tên cho biết Durov bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô Paris sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng. OFMIN, cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn bạo lực chống lại trẻ vị thành niên của Pháp, phát lệnh bắt Durov với cáo buộc Telegram không có đủ người kiểm duyệt, thiếu hợp tác với chính quyền. Cảnh sát tin tình trạng trên cùng tính năng mã hóa của Telegram đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn, khiến Durov có thể bị coi là đồng phạm trong hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố. Pavel Durov được Forbes ước tính có khối tài sản trị giá 15,5 tỷ USD. Theo công bố của ông đầu năm nay, Telegram có 900 triệu người dùng hàng tháng, tăng từ 500 triệu vào đầu năm 2021. Hoài Anh Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ