Cát hình ngôi sao là một cảnh đẹp và kỳ quan khoa học, mỗi hạt cát từng chứa một tổ chức đơn bào nhỏ li ti. Cát hình ngôi sao thực chất là vỏ của sinh vật đơn bào đã tồn tại 500 triệu năm. Ảnh: Mark Thiessen Thoạt nhìn, bãi biển trên đảo Taketomi, Hatoma, và Iriomote dường như không có gì khác thường. Nhưng quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy một thứ rất đặc biệt là những hạt cát nhỏ cỡ milimet hình ngôi sao hoàn hảo. Theo các nhà khoa học, cát sao là dấu vết bộ xương của một loài sinh vật, theo National Geographic. Hầu hết cát cấu tạo từ đá, khoáng chất và san hô mài mòn thành mẩu nhỏ qua nhiều năm. Nhưng mỗi hạt cát sao từng chứa tổ chức sinh vật biển đơn bào cực nhỏ. Theo Kazuhiko Fujita, giáo sư ở Đại học Ryukyus, cát sao là vỏ rỗ của loài vi sinh vật tên trùng lỗ. "Nó trông giống ngôi sao trong phim hoạt hình. Nó có cơ thể hình tròn với 5 gai giống như sao biển", ông nói. Trùng lỗ thường nằm ở đỉnh và sườn thấp của rạn đá ngoài khơi. Sau khi chết, chúng bị cuốn vào bờ, trở thành hình dạng tròn không có gai. Theo thời gian, vỏ của trùng lỗ tích tụ trên bãi biển, tạo thành cát 5 cánh đặc trưng. "Nếu bạn nhìn vào nắm cát sao, bạn sẽ thấy nhiều ngôi sao nhỏ", Mark Wilson, nhà cổ sinh vật học động vật không xương sống ở Đại học Worcester, Ohio, cho biết. "Mỗi ngôi sao là một cá thể nhỏ". Theo Wilson, trùng lỗ có tế bào tảo quang hợp nhỏ gọi là tảo cát bên trong lớp vỏ. Tảo cát hấp thụ ánh sáng, sản sinh carbohydrate và oxy. Vì vậy, lớp vỏ giống như quần thể của trùng lỗ và tất cả tế bào này. Cơ thể hình ngôi sao của trùng lỗ có nhiều sợi nhỏ giúp dẫn ánh sáng tới tảo cát để tạo ra thức ăn. Nằm trên các bãi biển thuộc Okinawa, Nhật Bản và trải dọc vùng phía tây và nam Thái Bình Dương, loại cát này rất hiếm. Tại Okinawa, một số đảo như Taketomi, Hatoma và Iriomote nổi tiếng với cát sao, nhưng rất khó tìm thấy trên những đảo khác. Cát sao có thể đóng vai trò bảo vệ các đảo, giúp thêm vật liệu vào bờ biển trên đảo. An Khang (Theo National Geographic) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress