Nên ngâm chân vào buổi tối, theo dõi nhiệt độ nước, chọn thuốc ngâm phù hợp; người sợ nước, có vết thương hở hoặc ăn quá đói hay quá no không nên ngâm chân. Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, hai bàn chân là nơi tập trung các huyệt đạo, tác động đến hầu hết bộ phận trên cơ thể. Do vậy, tác động lên những huyệt đạo ở chân sẽ giúp kích thích các hoạt động của các cơ quan. Ngoài xoa bóp, bấm huyệt bàn chân, ngâm chân bằng nước ấm đơn thuần hay kết hợp các vị thuốc sẽ rất tốt cho bàn chân nói riêng và cơ thể nói chung. Đặc biệt, khi ngâm chân bằng nước thuốc, chất thuốc hòa vào trong nước, tác động thấm vào da giúp điều hòa kinh khí, hoạt huyết, khu tà, có tác dụng cải thiện, phòng và điều trị một số bệnh, thúc đẩy tuần hoàn máu, giải trừ mỏi mệt, giúp dễ ngủ, giảm sự căng thẳng, giảm đau, cải thiện teo cơ, cứng khớp chi dưới... Ngâm bàn chân đồng thời thực hiện xoa bóp ở các ngón chân, lòng bàn chân có thể phòng và chữa được nhiều chứng bệnh. Theo bác sĩ Vũ, ngoài một số bài thuốc chuyên sâu cần được bác sĩ kê đơn, bốc thuốc, mọi người có thể dùng những dược liệu xung quanh để làm vị thuốc ngâm chân rất tốt như quế chi, gừng, lá lốt, kinh giới, hương nhu, ngải cứu... Để đạt được hiệu quả khi ngâm chân, bác sĩ Vũ lưu ý những điều nên và không nên làm dưới đây: Nên làm Ngâm chân vào buổi tối là tốt nhất vì giúp thư giãn, ngủ ngon và sau đó không phải đi lại nhiều nên mang lại hiệu quả tốt hơn. Nên theo dõi nhiệt độ của nước để tránh gây tổn thương chân. Theo dõi những diễn biến, thay đổi các triệu chứng trong quá trình ngâm chân. Nên tránh Người cao tuổi, trẻ em hay người bệnh không tự chủ được hành vi khi ngâm rửa chân cần có người khác giúp đỡ để tránh xảy ra tai nạn. Không dùng thuốc có tính kích thích mạnh và ăn mòn khi ngâm chân. Cần chọn các vị thuốc thích hợp, tính năng của thuốc phải phù hợp với từng chứng bệnh. Không dùng liệu pháp ngâm rửa chân cho người bệnh sợ nước và có các vết thương hở vùng chân. Không ngâm chân khi quá đói hoặc quá no. Sau khi ăn xong ít nhất 30 phút mới nên ngâm chân. Ngâm chân là biện pháp thải độc cơ thể hiệu quả mà nhiều người bỏ qua. Ảnh: Anae-Naturopathie Chứng bệnh thích hợp với liệu pháp ngâm chân, rửa chân Mất ngủ Dùng nước nóng ngâm rửa chân một lần mỗi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra cần đảm bảo chỗ ngủ yên tĩnh, thoáng mát. Khi ngủ cần giữ tâm lý thư thái, không nghĩ ngợi lung tung. Di tinh, xuất tinh sớm Dùng nước nóng ngâm rửa chân một lần mỗi tối trước khi ngủ. Giữ tinh thần thư thái. Không xem phim, sách báo khêu gợi tình dục. Ðau gót và viêm khớp cổ chân Dùng nước thuốc gồm thấu cốt thảo 30 g, tầm cốt phong 30 g, độc hoạt 15 g, nhũ hương 10 g, mộc dược 10 g, huyết kiệt 10 g, lão hạc thảo 30 g, hoàng cảo 20 g. Ngâm rửa chân lúc còn nóng, mỗi ngày 2 lần. Đau nhức xương khớp Dùng lá lốt và gừng tươi nấu thành nước rồi ngâm chân. Cụ thể, đun các vị thuốc trên với nước cho đun sôi với 2 lít nước trong 10-20 phút rồi pha lại với nước lạnh sao cho nước thuốc 40-60 độ C là vừa. Ngâm trong vòng 20-30 phút mỗi ngày. Viêm tắc tĩnh mạch chân Dùng thủy điệt 30 g, thổ nguyên 10 g, đào nhân 10 g, tô mộc 10 g, hồng hoa 10 g, huyết kiệt 10 g, xuyên ngưu tất 15 g, phụ tử 10 g, quế chi 20 g, địa long 30 g, cam thảo 15 g, nhũ hương 10 g, mộc dược 10 g. Nấu lấy nước thuốc, đổ vào chậu gỗ. Ngâm rửa từ đầu gối trở xuống. Ngâm khi nước thuốc còn nóng. Các bước chuẩn bị ngâm chân Chuẩn bị chậu và nước khoảng 40 đến 50 độ để ngâm hoặc hòa cùng một số bài thuốc (nếu có) trước khi ngâm. Ghế ngồi ngâm chân sao cho thoải mái nhất. Chuẩn bị khăn sạch để lau sau khi ngâm và quần áo sạch để thay nếu cần. Nơi thực hiện cần phải kín đáo, sạch sẽ, thuận tiện cho việc ngâm. Các bước tiến hành Để lộ bộ phận cần ngâm chân. Kiểm tra nhiệt độ của nước ngâm xem nóng quá hoặc chưa đủ nóng đề điều chỉnh. Ngâm vào nước ấm nóng hoặc thuốc nóng 20-30 phút. Trong quá trình ngâm, tự rửa, tự xoa bóp vùng ngâm để tăng hiệu quả. Ngâm xong, lau khô. Xử lý vết tổn thương ở da nếu có. Chỉnh đốn trang phục. Làm vệ sinh phòng, chậu ngâm. Mỹ Ý Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress