TP HCMBác sĩ Kha, 60 tuổi, ngồi ở buồng điều khiển chỉ huy cùng lúc bốn cánh tay robot mổ cắt khối u ung thư tiền liệt tuyến cho bệnh nhân. "Thay camera 30 độ, hút dịch bên trái", TS.BS Nguyễn Tế Kha, 60 tuổi, Trưởng Khoa Phẫu thuật Ung bướu Tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân, ra lệnh cho ê kíp qua chiếc mic, hôm 16/8. Lúc này, ông đang trong ca mổ cắt khối u của tuyến tiền liệt, bằng robot thế hệ mới Da Vinci. Bác sĩ Kha không cầm con dao mổ, mà ngồi vào ghế lái, cách bệnh nhân 10 m, điều khiển 4 cánh tay của robot "lệnh" nó thực hiện ca phẫu thuật. Để mổ bằng robot, đầu tiên các bác sĩ thiết lập 4 lỗ trocar trên cơ thể bệnh nhân để đưa 4 cánh tay robot vào. Ông Kha được ví như "cơ trưởng", ngồi ở "ghế lái" điều khiển ba tay của robot cầm các dụng cụ phẫu thuật, một tay robot giữ camera 3D để ghi hình cận cảnh vùng mổ, giúp bác sĩ xem rõ từng chi tiết giải phẫu. Hai chân bác sĩ đặt trên những bàn đạp có các chức năng như đốt điện đơn cực, lưỡng cực, di chuyển camera, chuyển đổi các dụng cụ mổ. Các cánh tay robot linh hoạt di chuyển, thực hiện cắt lọc, bóc tách u, cắt đốt, khâu nối... theo cử động tay chân của bác sĩ Kha. Sau 60 phút, khối u đã bóc tách được đưa vào túi đựng. Robot hoàn thiện những khâu cuối cùng là nối cổ bàng quang, niệu đạo, giúp người bệnh đi tiểu được sau mổ. Hệ thống robot này được Bộ Y tế cấp phép đầu tiên để điều trị cho người lớn tại Việt Nam. Bình Dân là bệnh viện ngoại khoa hạng một, tuyến cuối chuyên phẫu thuật tổng quát, tiết niệu và lồng ngực mạch máu cho bệnh nhân các tỉnh phía Nam. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện quyết định đầu tư 71 tỷ đồng từ nguồn vốn vay kích cầu của TP HCM, mua máy. Bác sĩ Kha là người tiên phong đưa Da Vinci về Việt Nam, cũng là người đầu tiên trải qua đợt huấn luyện với những yêu cầu khắt khe của nhà sản xuất để được cấp chứng chỉ phẫu thuật bằng robot. TS.BS Nguyễn Tế Kha, 60 tuổi, ngồi ở bàn điều khiển robot phẫu thuật. Ảnh: Lê Phương "Mơ ước từ năm 1999 của tôi đã trở thành hiện thực", bác sĩ Kha nói. Khi ấy, ông học nội trú tại Bệnh viện Bichat ở Paris (Pháp), biết Bệnh viện Henri Mondor phẫu thuật bằng robot. Ông xin kiến tập, tức là đứng trong phòng mổ quan sát, song bị từ chối bởi suất này đã đầy lịch đến năm 2004. Về nước năm 2000, ông "không biết cuộc đời có cơ hội được sờ tới robot hay không", không ngờ 16 năm sau mong ước thành sự thật. Bệnh viện Bình Dân mua máy về Việt Nam, nhưng để vận hành được máy và phẫu thuật, cần phải có đội ngũ bác sĩ được huấn luyện qua hàng nghìn giờ mổ bằng robot, "như một phi công". Bác sĩ Kha cùng đồng nghiệp lần lượt sang Hàn Quốc tham gia khóa huấn luyện. Robot có chương trình giả lập để bác sĩ làm quen các thao tác từ cầm nắm, khâu nối, sử dụng năng lượng đốt cầm máu bằng chân điều khiển... Phải vượt qua các yêu cầu này, bác sĩ mới được cấp chứng chỉ phẫu thuật robot. 8 năm qua, hơn 2.800 ca phẫu thuật bằng robot được bác sĩ Bệnh viện Bình Dân thực hiện. Thế nhưng đứng trước mỗi ca mổ, bác sĩ Kha không tránh khỏi "cảm giác lo sợ" như lần đầu. Bởi, trong một ca mổ nội soi thông thường, bác sĩ đứng cạnh bệnh nhân thực hiện thao tác, nếu tình huống nguy hiểm có thể lập tức chuyển sang mổ mở. Còn mổ bằng robot, bác sĩ ngồi cách xa bệnh nhân 10 m, cảm giác "không chạm" người bệnh khiến ông lo khi có tình huống khẩn cấp sẽ không kịp xử lý. Thực tế, điều này đã xảy ra trong giai đoạn đầu khi nơi này triển khai phương pháp mổ mới. Bệnh nhân hơn 70 tuổi bị ung tuyến tiền liệt, xuất hiện tình trạng nước tiểu rò vào ổ bụng sau mổ robot. Bình thường, biến chứng này có thể khắc phục và kiểm soát tốt bằng cách mổ khâu lại vị trí rò. Với trường hợp này, trải qua 6 lần phẫu thuật khâu lại nhưng vẫn không giải quyết được do cơ địa người bệnh khó lành thương, vùng ruột quá nhạy cảm. Cuối cùng bác sĩ không thể cứu được bệnh nhân. "43 ngày bệnh nhân nằm viện, tôi suy sụp nặng nề, sụt 5 kg, ngưng lịch mổ, ngừng hoàn toàn việc phẫu thuật robot", bác sĩ Kha nói thêm rằng ông cảm thấy bất lực khi không cứu được người bệnh, hoài nghi liệu bản thân có thể tiếp tục phẫu thuật robot không. Tĩnh tâm hơn, ông tự nhủ "ngã ở đâu phải đứng dậy ở đó", cứu chữa thật tốt những người bệnh khác. Chưa kể, mổ robot là con đường mới, khó tránh khỏi những chông gai. Kể từ đó đến nay, gần 600 ca khác đã được bác sĩ Kha mổ robot, tất cả đều thành công. "Nếu không có bài học sâu sắc từ bệnh nhân kia, chưa chắc đã có thể đạt kết quả tốt như vậy", ông nói. Bác sĩ Kha trở thành người thực hiện nhiều ca mổ robot nhất của Bệnh viện Bình Dân cũng như Đông Nam Á, được ví von là "những cơ trưởng có nhiều giờ bay nhất". Ông cũng được gia danh là "super surgeon" (bác sĩ phẫu thuật siêu đẳng) của hệ thống phẫu thuật robot da Vinci toàn cầu. Danh hiệu này dành cho những người mổ từ 30 ca trong 3 tháng, theo thống kê dữ liệu của hãng sản xuất. TS.BS Nguyễn Tế Kha (phía ngoài) và bác sĩ phụ mổ Nguyễn Vương Bảo Anh trao đổi về phim chụp của người bệnh trước mổ. Ảnh: Lê Phương TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A, cho biết để phẫu thuật robot giỏi, bác sĩ phải có định hướng tốt về không gian ba chiều, phối hợp tay chân khéo léo, am tường giải phẫu học. Người mổ không cầm nắm dụng cụ trực tiếp, không thể thao tác dựa trên lực cầm tay mà phải cảm giác mọi thứ theo quan sát bằng mắt. Còn BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa, người mổ robot đường tiêu hóa nhiều nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, cho biết khi đã làm chủ công nghệ phẫu thuật robot, bác sĩ sẽ rất mê phương pháp này vì độ linh hoạt vượt trội so với nội soi tiêu chuẩn. Đơn cử, trong phẫu thuật ung thư đại trực tràng, hệ thống robot giúp phẫu tích lấy trọn được bao mạc treo trực tràng và bảo tồn thần kinh vùng chậu, nhờ đó giảm tỷ lệ tái phát ung thư tối đa cũng như bảo tồn tốt chức năng niệu, sinh dục. "Mổ nội soi khó có thể làm được vì dụng cụ của phương pháp này chỉ có thể tiếp cận thẳng, không thể gập, duỗi, xoay trong vùng chậu chật hẹp như robot", ông Hữu nói. Với những bướu nằm vị trí khó như thượng thận, rốn thận, bướu trực tràng thấp, bướu phổi nằm cao trên vùng ngực..., phẫu thuật robot phát huy ưu thế vượt trội, xử lý tổn thương ở mức độ hoàn hảo nhất. Cánh tay robot có chức năng khử rung cũng không bị rung như tay người, nhất là khi lớn tuổi, nhờ thế thao tác cắt xẻ rất chính xác. Bác sĩ đào tạo phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân. Video: Bệnh viện cung cấp Việt Nam vẫn còn quá ít hệ thống phẫu thuật robot, dẫn đến nhiều bệnh nhân chưa thể tiếp cận được, trong khi đây là xu thế phát triển của thế giới. Những năm gần đây, trước nhu cầu tăng cao về phẫu thuật robot, Bệnh viện Bình Dân tăng từ 2 ca lên 3 ca một ngày để giải quyết phần nào tình trạng quá tải. Dẫu vậy, bệnh nhân nơi đây muốn mổ robot phải chờ ít nhất một đến hai tuần. Ngoài ra, chi phí mổ bằng phương pháp này chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Một ca ở Việt Nam hiện có giá khoảng 120-150 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá 20.000-50.000 USD của Singapore, 15.000 USD của Hàn Quốc... Bảo hiểm một số nước chi trả khá nhiều cho phẫu thuật robot. Chẳng hạn, bảo hiểm y tế Malaysia, Singapore chi trả gần như hoàn toàn cho mổ robot cắt tiền liệt tuyến. "Nhu cầu trị bệnh là có thật, hiệu quả là thật, cả thế giới đã thực hiện mấy chục năm nay, bảo hiểm y tế chưa chi trả thì quá thiệt thòi cho người bệnh", bác sĩ Phát nói. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress