Bình ĐịnhLuật Công nghệ số đang trình Chính phủ đề xuất các chính sách mới nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ số, bắt kịp xu hướng về AI, bán dẫn. Thông tin được Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương chia sẻ tại hội nghị về Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng tại Bình Định ngày 18/8. Theo Thứ trưởng, trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới, Việt Nam trở thành điểm đến được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm do những lợi thế về địa chính trị, nguồn nhân lực. Ngoài ra, trong nước cũng có những tập đoàn, tổng công ty lớn. Từ những lợi thế đó, ông cho biết Việt Nam quan tâm và quyết tâm xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị được Chính phủ giao triển khai xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam "Bộ đã trình lên Chính phủ cả hai văn bản này. Các văn bản nhằm xây dựng hành lang pháp lý, những chính sách đột phá và những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn, đồng thời bắt kịp xu thế hiện nay về AI, bán dẫn, thu hút đón đầu làn sóng chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam", Thứ trưởng cho biết. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Giáp Một trong các nội dung lớn trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được đại diện Bộ nhắc đến là coi sản xuất sản phẩm công nghệ số và cung cấp dịch vụ công nghệ số là ngành nghề được ưu đãi đầu tư, với một số ưu đãi đặc biệt về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất phân quyền cho các địa phương, căn cứ điều kiện thực tế để có ngân sách hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Các hỗ trợ này có thể bao gồm một phần chi phí trong việc mua thiết bị, dây chuyền thiết bị công nghệ, chi phí dự án đầu tư mới, chi phí nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Cùng ngày, tỉnh Bình Định cùng Liên danh FPT Quy Nhơn khởi công dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn. "Bình Định cam kết theo đuổi mục tiêu của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo", ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói. "Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ sẽ đóng vai trò như một điểm nhấn trong hệ sinh thái công nghệ của tỉnh, tập trung vào các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng AI vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, và nông nghiệp". Thành phố Quy Nhơn có điểm cập bờ của hai tuyến cáp quang biển sắp đi vào hoạt động là SJC2 và ADC. Đây cũng là nơi đặt trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI của FPT, phát triển nhiều dự án "triệu USD" với khách hàng từ Mỹ, Nhật Bản, đồng thời mang đến cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực của tỉnh, thu hút nhân tài từ các tỉnh lân cận. Khoảng 2.000 học sinh, sinh viên được đào tạo tại phân hiệu Đại học FPT Bình Định từ năm 2021. Tại sự kiện, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định công nghệ có thể giúp các công ty, thành phố, thậm chí một quốc gia phát triển vượt trội. "Để Bình Định có thể nhanh chóng trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực, giải quyết những bài toán lớn của thế giới, chúng tôi sẽ song hành cùng tỉnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI và thu hút các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, của thế giới về đây", ông Bình nói. Lưu Quý Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ