Loại mụn nào không nên nặn?

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Aug 18, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 65)

    [​IMG]

    Mụn bọc, mụn nang, mụn đầu đen hay đầu trắng, mụn ẩn không nên nặn vì dễ gây tổn thương da, nhiễm trùng và để lại sẹo.


    Theo ThS.BS Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nặn mụn là biện pháp tác động cơ học giúp loại bỏ nhân mụn ra khỏi nền da ngay lập tức. Song có một số loại sang thương mụn cần đặc biệt lưu ý, cân nhắc không nên nặn.

    Mụn bọc

    Mụn bọc là loại mụn viêm lớn, thường chứa nhiều mủ và gây đau. Nặn mụn bọc có thể dẫn đến viêm nhiễm nặng hơn, tăng nguy cơ để lại sẹo và vết thâm. Mụn bọc thường nằm sâu dưới da nên việc nặn không chỉ gây tổn thương bề mặt mà còn làm lây lan vi khuẩn sang các vùng da khác.

    Mụn nang

    Loại mụn dạng nang thường ẩn mình rất sâu trong da, tạo thành một nốt đỏ, sưng tấy. Tình trạng viêm da đi kèm với mụn trứng cá dạng nang có thể gây cản trở quá trình chữa lành và thường dẫn đến để lại sẹo vĩnh viễn. Việc nặn mụn nang không chỉ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm mà còn có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho da.

    Mụn đầu đen và mụn đầu trắng

    Mụn đầu đen và mụn đầu trắng là loại mụn không viêm, nhưng vẫn lưu ý vẫn không nên nặn một cách tự ý. Việc nặn mụn đầu đen và mụn đầu trắng không đúng cách có thể gây tổn thương da, làm lỗ chân lông bị to ra và dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, việc nặn mụn có thể làm lây lan vi khuẩn, gây ra các loại mụn viêm khác.

    Mụn ẩn

    Mụn ẩn nằm sâu dưới da, không nổi rõ trên bề mặt. Việc cố gắng nặn mụn ẩn sẽ chỉ làm tổn thương và trầy xước da, gây viêm nhiễm và dẫn đến việc mụn trở nên nặng hơn.

    Mụn ẩn thường cần được điều trị bằng các phương pháp đặc biệt để làm sạch sâu lỗ chân lông và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.

    Bác sĩ cảnh báo việc tự ý nặn mụn có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho da. Tự xử lý mụn không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ vi khuẩn trên tay. Ngoài ra, nếu nhân viên chăm sóc da thực hiện không đúng kỹ thuật, không đảm bảo vô khuẩn hiệu quả, hoặc thao tác khi lấy nhân mụn quá thô bạo, dễ có khả năng gây sang chấn tổn thương trên da. Từ đó làm tăng nguy cơ để lại thâm, sẹo nhiều và lâu hơn.

    Thay vào đó, nên tìm đến các chuyên gia da liễu để được tư vấn và điều trị mụn khoa học. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp, giữ vệ sinh da đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm thiểu mụn và giữ làn da luôn khỏe mạnh.

    Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Loại mụn nào không nên nặn?

Share This Page