Hà NộiSau khi uống thực phẩm chức năng bổ sung hormone để ngăn cơn bốc hỏa tiền mãn kinh, người phụ nữ 45 tuổi xuất huyết ồ ạt phải nhập viện truyền máu. Trước đó, người phụ nữ mất kinh nguyệt, thường xuyên bốc hỏa, mất ngủ, giảm ham muốn tình dục kèm thay đổi tâm sinh lý, hay cáu gắt. Chị lên mạng tìm hiểu, đặt mua một loại thực phẩm chức năng được người bán quảng cáo là nhập từ Pháp, "thần dược" với nhiều thành phần tế bào gốc giúp bổ sung nội tiết tố, điều hòa kinh nguyệt và hạn chế các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh. Sản phẩm giá vài triệu đồng một hộp, được chị sử dụng liên tiếp trong nhiều tháng. Tuy nhiên, triệu chứng mãn kinh không thuyên giảm, chị còn bị ra máu âm đạo, cơ thể suy nhược. Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), chẩn đoán người bệnh bị băng kinh - tình trạng âm đạo chảy máu ồ ạt một cách bất thường gây mất máu nặng, phải truyền máu bổ sung. Bác sĩ Thành cũng tiếp nhận một bệnh nhân khác, 50 tuổi, mãn kinh gần hai năm, ra máu bất thường sau khi uống một sản phẩm nội tiết từ Nhật Bản, được quảng cáo "chiết xuất gai nhau, bánh nhau". Khám và tầm soát các bệnh lý ung thư cổ tử cung, niêm mạc tử cung, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn kinh nguyệt gây băng huyết, phải truyền máu và dùng thuốc kiểm soát. Bác sĩ Thành thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp Hiện, các sản phẩm nội tiết tố được bán phổ biến, người dùng có thể dễ dàng mua bổ sung cho cơ thể khi cần thiết. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm như Nội tiết tố nữ - Kiến thức và Kinh nghiệm hay Nội Tiết Tố & Collagen - Review, Chia sẻ Kinh Nghiệm, thu hút hàng nghìn người tham gia. Các thành viên chia sẻ nhiều bài viết quảng cáo sản phẩm nội tiết tố chiết xuất nhiều thành phần như sâm tố nữ, collagen, tinh dầu hoa anh thảo, nhụy hoa nghệ tây... Công dụng được đưa ra gồm cải thiện các triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi, giảm ham muốn tình dục. Sản phẩm cũng dễ dàng mua ở hiệu thuốc, siêu thị, đặt hàng xách tay. Mỗi loại có giá và nguồn gốc khác nhau khiến người mua như "lạc vào ma trận". PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) cho biết tiền mãn kinh, mãn kinh là giai đoạn sinh lý, ai cũng phải trải qua thời gian này. Tuy nhiên, có người trải qua rất nhẹ nhàng, có người lại rất mệt mỏi. Trong thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ tạo ra ít hormone estrogen và progesterone hơn. Mức độ hormone thấp có thể dẫn đến các triệu chứng như đổ mồ hôi ban đêm, bốc hỏa, khô âm đạo, mỏng xương. Giai đoạn này, chị em cần khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến một năm. Khi khám, mọi người nên tâm sự với bác sĩ những rối loạn gặp phải để được tư vấn cách khắc phục. Theo đó, đối với rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh, có 3 nhóm phương pháp điều trị. Nhóm thứ nhất là thay đổi lối sống, bao gồm điều chỉnh lại chế độ làm việc, dinh dưỡng, tập thể dục. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ ở tuổi này nên dành ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần để tập thể dục, có thể tập luyện bất cứ bộ môn hay bài tập nào nếu yêu thích. Người có nguy cơ loãng xương thì nên chọn môn có tác động về trọng lực cơ thể, ví dụ chạy bộ, đi bộ, leo núi. Hạn chế tiếp xúc với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Nhóm thứ hai là sử dụng các loại thực phẩm chức năng, không cần dùng thuốc. Theo các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới, hiện nay một số loại thực phẩm chức năng có thể góp phần giảm các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Phương pháp này chỉ áp dụng cho các triệu chứng rối loạn mức độ nhẹ. Ví dụ, các triệu chứng thoáng qua như bốc hỏa, mất ngủ, cáu gắt, đau xương khớp không thường xuyên, thỉnh thoảng mới xuất hiện, có thể điều trị bằng thực phẩm chức năng. Cuối cùng là bổ sung nội tiết mãn kinh. Theo bác sĩ Tuyết, với nhóm phương pháp này, chị em bắt buộc phải tới bác sĩ khám để loại trừ các chống chỉ định. Bởi vì, nội tiết thay thế hay nội tiết điều trị mãn kinh là một vũ khí nhưng cũng là "con dao hai lưỡi", nếu sử dụng tốt sẽ giúp cuộc sống tốt hơn. "Trường hợp sử dụng không đúng có thể làm các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, bệnh lý đang mắc diễn tiến nặng hơn", bác sĩ Tuyết nói. Bác sĩ Thành kiểm tra kết quả siêu âm của bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp Bác sĩ Tuyết cho biết phương pháp sử dụng nội tiết mãn kinh được bác sĩ chỉ định cho phụ nữ theo các nhóm cụ thể. Theo đó, phương pháp này chỉ định cho người có rối loạn vận mạch, bao gồm các triệu chứng bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, cáu gắt, khó chịu, kích thích, dễ gây lộn, mất ngủ; các triệu chứng niệu dục như teo, khô âm đạo, nhiễm trùng tiểu, són tiểu ở mức độ từ nhẹ tới nặng. Nhóm an toàn là phụ nữ dưới 60 tuổi. Cụ thể, bắt đầu sử dụng nội tiết mãn kinh ở độ tuổi dưới 60 hoặc thời gian mãn kinh dưới 10 năm, không chỉ định cho tất cả phụ nữ. Thời gian điều trị nội tiết mãn kinh an toàn là 5-7 năm tùy theo phác đồ. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét lợi ích và nguy cơ, đánh giá lại xem có tiếp tục cho bệnh nhân sử dụng thuốc nội tiết và phải theo dõi sát những trường hợp này. "Do đó, người muốn sử dụng nội tiết mãn kinh phải được bác sĩ ra chỉ định, không được tự động mua thuốc dùng", bác sĩ Tuyết khuyến cáo. Đồng quan điểm, bác sĩ Thành nhận định có nhiều rủi ro liên quan đến việc sử dụng sản phẩm nội tiết tố nữ không rõ nguồn gốc, không có tư vấn của bác sĩ. Rủi ro bao gồm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, xuất hiện huyết khối tĩnh mạch, quá sản niêm mạc tử cung, nguy cơ mắc bệnh ung thư, đột quỵ. Phụ nữ tiền mãn kinh, tùy tình trạng sức khỏe và mức độ triệu chứng gặp phải sẽ được bác sĩ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp để cải thiện cảm giác khó chịu. "Không nên tự ý sử dụng các sản phẩm nội tiết tố, thực phẩm chức năng chưa được chỉ định để tránh tiền mất tật mang", bác sĩ Thành nói. Thúy Quỳnh - Mỹ Ý Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress