Cơn đau mỏi cổ gáy thường xuất hiện ở vùng bả vai và gáy, đôi khi lan xuống cánh tay, có thể kèm theo dấu hiệu tê buốt. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3. Nguyên nhân và cơ chế - Ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong thời gian dài, lái xe, làm việc liên tục với máy tính... - Mang vác nặng sai tư thế, nhất là công nhân đội than, cát từ tàu thuyền lên bến. - Bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Trong đó, yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cục bộ vùng vai, gáy như: Thói quen ngồi lâu trước quạt, trước máy điều hòa nhiệt độ (máy lạnh). Ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy... - Vẹo cổ bẩm sinh, do dị tật. - Chấn thương do tai nạn. - Thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ. - Ung thư, lao... Điều trị - Trường hợp nhẹ: Cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Đến các cơ sở y học cổ truyền để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. Hoặc dùng thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Nếu đã loại trừ được những nguyên nhân chèn ép, có tổn thương thì điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường, có thể bằng đường uống, bằng cao dán. Kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay. - Trường hợp nặng như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống..., người bệnh cần được phẫu thuật. Phòng tránh - Ngủ, sinh hoạt đúng tư thế: Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, thỉnh thoảng nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu. Không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Nên gối đầu thấp khi ngủ, tốt nhất gối chỉ nên cao khoảng 10 cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm. - Không nên bẻ khớp cổ, cánh tay, vai kêu răng rắc vì đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng. - Khi bị đau vai, gáy: Nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày. Bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E. Tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể. - Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp. - Vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài. - Tránh căng thẳng. - Luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Mỹ Ý Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress