Khó định lượng kháng thể cho trẻ đã tiêm phòng

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, May 14, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 391)

    Câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra sau vụ việc tiêm thiếu văcxin ở Hà Nội, là liệu con mình sau tiêm chủng đã có đủ kháng thể, đáp ứng đủ miễn dịch hay chưa? Và nếu thiếu thì phải xử lý thế nào?


    "Tất cả những gia đình đã cho trẻ em tiêm phòng đều hoang mang vì không biết con mình có nằm trong số đã bị gian lận như ở Trung tâm 70 Nguyễn Chí Thanh không và xử lý như thế nào. Tiêm bù, tiêm lại cũng lo mà không tiêm bù, không tiêm lại cũng lo vì nếu thiếu liều thì liệu có đảm bảo phòng chống khi có dịch bệnh không", độc giả Quý Sang gửi thư về VnExpress.net thắc mắc.

    Tại TP HCM, nhiều bà mẹ cũng thể hiện sự lo ngại tương tự. Chị Thanh Mai, nhân viên một công ty truyền thông tại quận 3 cho biết, con chị hiện 5 tuổi. Từ lúc bé còn nhỏ đến giờ chị đều chọn cơ sở dịch vụ uy tín để tiêm phòng cho con, nhưng lần nào đi tiêm chị cũng mải dỗ dành con, ít khi để ý quy trình của nhân viên y tế.

    "Không biết con mình đã có đủ kháng thể bảo vệ hay chưa. Có cách nào để kiểm tra đứa trẻ đã được văcxin bảo vệ hay phải đợi đến khi trẻ mắc bệnh rồi mới biết", chị Mai băn khoăn.

    Trước những thắc mắc này, bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng, Trưởng nhóm Chương trình Tiêm chủng mở rộng phía Nam, Viện Pasteur TP HCM cho biết, việc tiêm không đủ liều văcxin có thể khiến cơ thể không tạo đủ kháng thể để bảo vệ cho bé. Văcxin Pentaxim (DTaP-IPV-Hib, văcxin phòng 5 loại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và hib) được nhà sản xuất yêu cầu tiêm 3 mũi cơ bản mới có thể đánh giá đủ khả năng bảo vệ cho trẻ và có thể tiêm nhắc khi trẻ hơn 1 tuổi (lúc 18 tháng) nhằm nâng cao hơn khả năng bảo vệ cho trẻ.

    "Tiêm không đủ liều văcxin là việc thực hiện không đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, còn việc đáp ứng kháng thể tạo miễn dịch có xảy ra hay không rất khó biết được. Cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này là 1 tháng sau tiêm lại mũi khác và xem như mũi tiêm trước đó không hiệu quả", bác sĩ Thắng phân tích.

    Theo bác sĩ Thắng, sau 3 mũi tiêm cơ bản muốn biết trẻ có đủ kháng thể bảo vệ hay không thì có thể xét nghiệm định lượng kháng thể. Tuy nhiên, việc định lượng kháng thể sau tiêm rất phức tạp. Xét nghiệm định lượng kháng thể VGB (viêm gan B) thì dễ dàng, vì tại Việt Nam có nhiều cơ sở làm dịch vụ này. Các thành phần còn lại D (bạch hầu), T (uốn ván) chưa thấy cơ sở nào thực hiện theo hình thức dịch vụ, chỉ thực hiện khi có nhu cầu nghiên cứu. Trước đây Viện Pasteur TP HCM có gửi ra nước ngoài xét nghiệm số lượng nhiều, nếu chỉ gửi một vài mẫu thì sẽ không được nhận để xét nghiệm.

    Với thành phần IPV (bại liệt), phòng xét nghiệm Viện Pasteur TP HCM có thể đo lượng kháng thể, và cũng chỉ thực hiện khi nghiên cứu. Thành phần aP (ho gà vô bào) và Hib (Haemophus influenzae type b) có khi phải chuyển ra nước ngoài xét nghiệm.

    Bác sĩ Thắng cho biết thêm, nguyên nhân gây thiếu kháng thể bảo vệ ở trẻ đã được tiêm chủng có thể do nhiều nguyên nhân, như: quy trình tiêm không đúng kỹ thuật như thiếu liều lượng, tiêm sai vị trí, kỹ thuật tiêm không đúng... Ngoài ra có thể do tiêm không đúng lịch hoặc thiếu mũi, do quy trình bảo quản văcxin không đúng cách (văcxin được yêu cầu bảo quản trong 2-8 độ C). Bên cạnh đó cũng có thể do cơ địa của trẻ đáp ứng miễn dịch kém hoặc suy giảm miễn dịch mắc phải như HIV/AIDS, chạy thận nhân tạo...

    "Việc cố gắng truy tìm khả năng trẻ đã có miễn dịch hay không là một khó khăn. Ngoài ra trẻ còn sẽ phải bị lấy máu 5-10 ml và sau tiêm 1 mũi ngay cả đủ liều cũng không ai nghĩ là nên kiểm tra kháng thể (vì lộ trình tiêm cơ bản là 3 liều, đủ và đúng lịch). Điều quan trọng hiện nay là tiếp tục tiêm chủng cho trẻ và theo dõi tình trạng sức khỏe", bác sĩ Thắng chia sẻ.

    Tương tự, Tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cũng cho biết, việc định lượng kháng thể cho trẻ sau khi đã tiêm phòng để xem trẻ đã có miễn dịch hay chưa là điều rất khó thực hiện. Hiện nay hầu như chưa có đơn vị nào đảm trách được việc này.

    Theo thạc sĩ, bác sĩ Tống Thanh Sơn, Khoa khám trẻ em lành mạnh Bệnh viện Nhi đồng 2 thì các bác sĩ khi làm nghiên cứu thì mới tập trung các mẫu để gửi ra các trung tâm kiểm nghiệm văcxin ở nước ngoài để tiến hành đo lường. Việc định lượng kháng thể rất tốn kém, khó thực hiện lắt nhắt nên ở Việt Nam hầu như chưa có một trung tâm nào đứng ra làm công việc này độc lập.

    "Nếu nghi ngờ tiêm thiếu thì chỉ còn cách là tiêm nhắc thêm. Tùy theo từng trường hợp mà sẽ có phác đồ tiêm nhắc cụ thể. Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm nhắc đầy đủ theo lịch hẹn để trẻ được đảm bảo đủ miễn dịch cần thiết với bệnh", bác sĩ Sơn lưu ý.

    Trước đó, ngày 19/4, anh Lam quê Vĩnh Phúc đưa con đi tiêm văcxin dịch vụ mũi 5 trong 1 tại trung tâm y tế 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Anh phát hiện nhân viên y tế Bùi Thị Phương Hoa chỉ rút 2/3 số thuốc trong lọ để tiêm cho con anh, rồi để vỏ lọ vào chiếc hộp ticke trên bàn. Anh đã gọi cơ quan chức năng đến lập biên bản. Cơ quan chức năng đã thừa nhận có sai sót này.

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Khó định lượng kháng thể cho trẻ đã tiêm phòng

Share This Page