Bộ Y tế đang xây dựng đề xuất tăng tiền phụ cấp mổ, tiền trực, ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11. Thông tin được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết khi trả lời kiến nghị của cử tri Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 7/8. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa nêu rõ mức tăng là bao nhiêu. Hơn 12 năm qua, mức lương cơ sở được điều chỉnh thêm 8 lần, hiện ở mức 2.340.000 đồng/tháng nhưng các chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tiền trực; tiền ăn vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng. Theo quy định hiện hành, người mổ chính trong ca phẫu thuật đặc biệt được nhận phụ cấp 280.000 đồng, người phụ mổ 200.000 đồng, còn người giúp việc cho ca mổ là 120.000 đồng. Số tiền giảm dần theo mức độ ca phẫu thuật loại 1, loại 2, loại 3. Như ở ca phẫu thuật loại 3, số tiền lần lượt giảm còn 50.000; 30.000 và 15.000 đồng. Còn mức tiền trực và ăn cho cán bộ y tế cũng được chia theo từng hạng bệnh viện. Cụ thể, mức phụ cấp trực 24/24h là 115.000 đồng/người/phiên, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên đối với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt. Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính. Thời gian qua, Bộ Y tế nhiều lần đề cập đến việc phụ cấp, thu nhập cho y bác sĩ lạc hậu và đề xuất "tăng cao nhất" mức phụ cấp. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Tri Thức cho rằng mức phụ cấp cho nhân viên y tế hiện nay đã thực hiện hơn 10 năm, "không còn phù hợp". "Chế độ, chính sách cho nhân viên y tế lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật được thực hiện (theo quyết định 73) đã hơn 10 năm", ông Thức nói, thêm rằng một ca mổ đặc biệt thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính, không tương xứng với sức lao động của bác sĩ. Bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trần. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó nhiều nhất là ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân chính họ nghỉ việc là thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu sống, đặc biệt tại cấp y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trong khi đó, áp lực và cường độ công việc tăng vọt khi dịch Covid-19 bùng phát; môi trường làm việc có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Trong khi đó, các đơn vị y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực y tế công. Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc mới đây, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ rất thấp và không phù hợp trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác. Theo quy định mới nhất, để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ phải dành tới 6 năm học đại học y khoa và mất ít nhất 12 tháng thực hành. Nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài. Trong khi lương và phụ cấp đối với viên chức y tế thấp, chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress