Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng cơ chế về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế đã đầy đủ song mấu chốt là các địa phương phải vận dụng linh hoạt. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều 5/8, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết việc tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chỉ xảy ra ở một số nơi, một số thời điểm nhất định, từ sau đại dịch Covid-19. Hơn nữa cũng chỉ thiếu một số loại thuốc, vật tư "chứ không phải thiếu tất cả". Thiếu thuốc xuất phát từ bất cập trong mua sắm. Ông Tuyên cho rằng việc mua sắm vật tư y tế có hai yếu tố chính tác động, đó là thể chế và tổ chức thực hiện. Thể chế hiện đã đầy đủ, chi tiết bằng các hướng dẫn cụ thể. Trong đó thông tư 07/2024 của Bộ Y tế quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập đã có nhiều điểm mới. Ví dụ cho phép sử dụng một giấy báo giá hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính, chuyên môn của cơ sở y tế. Nếu đấu thầu bất thành sẽ được phép chỉ định thầu "trong trường hợp cấp bách" để duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ sở y tế. Thông tư cũng quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu, dịch bệnh sẽ được áp dụng chỉ định thầu, theo ông Tuyên. "Thể chế trong đấu thầu cơ bản đầy đủ nhưng mấu chốt vẫn ở khâu thực hiện. Các cơ quan chủ quản, địa phương phải linh hoạt vận dụng trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư. Miễn sao phải công khai minh bạch, không có lợi ích nhóm trong đấu thầu", thứ trưởng Tuyên nói. Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại họp báo Chính phủ chiều nay. Ảnh: Phạm Nam Tình trạng thiếu thuốc, vật tư mặc dù được tháo gỡ bằng các quy định hướng dẫn song một số bệnh viện chưa thể đấu thầu do nhiều vướng mắc như không có nguồn cung, tâm lý sợ sai phạm... Gần đây nhất, Bệnh viện Việt Đức cũng thiếu một số loại thuốc do chưa thể đấu thầu, bệnh nhân mua ở ngoài trong khi bác sĩ phải điều tiết giảm ca mổ. Giữa tháng 7, cử tri kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp khắc phục tình trạng sợ sai phạm trong đấu thầu, mua sắm dẫn đến thiếu thuốc, vật tư. Trả lời kiến nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng tình trạng thiếu "chỉ xảy ra cục bộ". Nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân chủ quan là các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc như thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm... Ngoài ra, việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn...) do bệnh ít gặp nên không xác định được nhu cầu và không lường trước về thời điểm, số lượng. Theo Bộ Y tế, các cơ sở, địa phương chủ động xác định nhu cầu, đấu thầu mua sắm là "yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế". Quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm đã được ban hành đầy đủ, vì vậy người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm nếu để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại nơi mình quản lý. Phạm Dự Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress