Rối loạn tâm thần sau quan hệ tình dục không an toàn

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Aug 5, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 57)

    Phát hiện bất thường vùng kín, Ngân, 16 tuổi, hoảng sợ, không đi khám mà tự tìm hiểu trên mạng, đến khi bệnh nặng, khó chữa, em bị căng thẳng, rối loạn lo âu.


    Nữ sinh học tại một trường THPT ở Hải Phòng. Năm ngoái, Ngân quen một nhóm bạn trên mạng xã hội, hẹn họp mặt và quan hệ tình dục không dùng bao cao su. Sau buổi liên hoan, Ngân đi tiểu buốt và ngứa, rát vùng sinh dục, song nghĩ bị viêm nhiễm thông thường, sẽ tự hết nên không đi khám.

    Tình trạng ngày càng nặng, bệnh nhân lên mạng tra cứu thông tin, thấy các triệu chứng cảnh báo bệnh lây truyền qua đường tình dục nên lo lắng, hoảng sợ. Ngân giấu gia đình, một mình đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy mắc vi khuẩn lậu, bác sĩ giải thích nguyên nhân và tư vấn cho bệnh nhân về kiến thức giới tính. Nữ sinh được điều trị bằng kháng sinh liều cao, kiêng quan hệ tình dục cho đến khi khỏi bệnh.

    Dù vậy, Ngân bị ám ảnh từ lần mắc bệnh, liên tục kiểm tra da để tìm tổn thương, lo sợ bệnh tái phát. Nỗi sợ kéo dài nhưng không được giải tỏa, khiến em bị mất ngủ, không tập trung học tập, kém ăn, chân tay run, vã mồ hôi. Người bệnh còn tự cô lập, tách mình khỏi các hoạt động tập thể, tự ý nghỉ học nên được người nhà đưa đi khám. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh phúc Việt Nam, chẩn đoán Ngân bị rối loạn lo âu, phải điều trị lâu dài bằng liệu pháp tâm lý.

    Trường hợp khác, Minh, 17 tuổi, lên TP HCM học cấp 3 và được bạn bè rủ tham gia hội quan hệ đồng giới. Trong một bữa tiệc cuối năm, Minh quan hệ với nhiều bạn tình cùng giới khác. Sau đó, nam sinh phát hiện vùng hậu môn mọc nhiều nốt sùi ngày càng to, lo lắng nên đã giấu gia đình, tự đi khám. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nhiều tổn thương, chẩn đoán sùi mào gà hậu môn và ống hậu môn.

    Bệnh nhân được điều trị loại bỏ tổn thương, ngăn khối sùi lây sang vị trí khác, song bác sĩ cho biết cần tái khám nhiều lần để theo dõi vì bệnh có khả năng tái phát cao. Tuy khỏi bệnh, song người bệnh luôn ám ảnh bản thân bị sùi nốt ở miệng, ở lưỡi, ở họng.

    Em đi khám rất nhiều nơi, kết quả nội soi tai mũi họng không có tổn thương song vẫn nghi ngờ, "đến ngủ cũng mơ bị bệnh". Bác sĩ chỉ định khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần, kết quả chẩn đoán rối loạn lo âu, stress quá mức.

    [​IMG]

    Nhiều trẻ vị thành niên bị rối loạn tâm thần sau khi mắc bệnh vì quan hệ tình dục không an toàn. Ảnh minh hoạ: Pexels


    Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu chung về số trẻ vị thành niên khởi phát tâm thần, stress, rối loạn lo âu sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Song, các bệnh viện ghi nhận số lượng trẻ điều trị bệnh tình dục ngày càng tăng.

    Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, năm 2021 có khoảng 1.000 bệnh nhân dưới 18 tuổi mắc các bệnh lây qua đường tình dục, hai năm sau lên 2.500 ca. Còn theo số liệu công bố tại Hội nghị Da liễu toàn quốc năm 2023, Bệnh viện Da liễu Trung ương mỗi năm điều trị 4.000-5.000 ca bệnh tình dục. Trong đó, gần 30% bệnh nhân tuổi 15-24, với tỷ lệ học sinh tuổi 12-18 chiếm 4,2% và nhóm sinh viên 18-22 tuổi chiếm 22,6%.

    Ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, trung bình một tháng khám khoảng 150-200 bệnh nhân tuổi vị thành niên liên quan bệnh tình dục, tăng nhẹ qua từng năm. Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân mỗi tháng, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

    Nghiên cứu về hành vi sức khỏe học sinh do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện, công bố năm 2023 cho thấy tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp hai lần, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019. Tuy nhiên, cách giáo dục giới tính và tình dục ở nước ta còn nhiều hạn chế, một số học sinh không biết quan hệ an toàn để bảo vệ bản thân, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh xã hội.

    Thạc sĩ Lan cho biết tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ có sự thay đổi cả về sinh lý và tâm lý. Trẻ nhận biết các thay đổi của vẻ bề ngoài, phát triển cách giao tiếp với xã hội, phát triển cảm xúc cá nhân.

    "Khi có biến cố hoặc bệnh tật xảy ra, đặc biệt là bệnh tình dục - một vấn đề rất nhạy cảm nhưng phải một mình tự giải quyết, các em sẽ có xu hướng hoảng sợ, căng thẳng", bà Lan nói.

    Nếu không phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể đối mặt với vấn đề bệnh tình dục ngày càng trở nặng. Đồng thời, sức khỏe tâm thần càng nghiêm trọng hơn, hình thành nên tính cách, hành vi trong tương lai, khó cải thiện.

    Tại Việt Nam, ước tính gần 15 triệu người Việt Nam đang mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm, lo âu đứng đầu bảng. Theo các chuyên gia, tỷ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, con số này từ 5% đến 8%.

    Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos cho rằng khi biết con mắc bệnh tình dục, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ và giúp đỡ con cái. Cách quan tâm, xử sự của cha mẹ có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ và giúp giảm bớt các tác động tiêu cực.

    Theo đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất cha mẹ có thể làm là tạo ra môi trường an toàn, không kỳ thị, với sự lắng nghe, thấu hiểu và hiểu biết. Xây dựng những kênh giao tiếp mở, thẳng thắn trao đổi, đồng hành và đề nghị con được tham gia hỗ trợ chuyên môn cần thiết.

    Nhà trường có thể hỗ trợ học sinh bằng cách triển khai chương trình giáo dục sức khỏe tình dục toàn diện, đào tạo giáo viên để giảng dạy hiệu quả, cung cấp tài liệu giáo dục cùng nguồn tài nguyên trực tuyến. Ngoài ra, thạc sĩ Thiện khuyến khích các trường nên cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý và sức khỏe tình dục, đồng thời hợp tác với các tổ chức cộng đồng để bổ sung sự hỗ trợ cần thiết cho học sinh.

    Thúy Quỳnh - Mỹ Ý

    *Tên nhân vật được thay đổi


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Rối loạn tâm thần sau quan hệ tình dục không an toàn

Share This Page